Điều kiện sản xuất phân bón

ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT PHÂN BÓN

   Những năm gần đây, ngành sản xuất phân bón của nước ta có những bước chuyển biến tích cực. Thay vì phải nhập khẩu sản lượng lớn từ phân đơn (urê, sulphat amoni – SA, amoni clorua,…) đến những loại phức hợp (DAP,  APP, MAP,…) hay cả những loại phân bón hỗn hợp (NPK, NP, PK,…) thì Việt Nam đã dần chủ động được nguồn cung, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp.

   Để làm được điều đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư không những hệ thống máy móc, thiết bị công nghệ cao mà còn nâng cao hàm lượng dinh dưỡng, chất lượng sản phẩm. Vì vậy, hoạt động sản xuất phân bón thời gian gần đây trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết.

   Các cơ quan ban ngành có liên quan cũng nhanh chóng điều chỉnh các quy định pháp luật kịp thời nhằm nâng cao công tác quản lý. Do vậy, trước khi tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động sản xuất phân bón cần tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật để không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của đơn vị mình.

      Trước kia, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón chịu sự điều chỉnh của Nghị định số 108/2017/NĐ-CP Về quản lý phân bón. Tuy nhiên,văn bản trên đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Luật Trồng trọt 2018 và Nghị định số 84/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về quản lý phân bón hướng dẫn Luật Trồng trọt theo hướng đơn giản và cắt giảm các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

      Theo Khoản 2 Điều 41 Luật Trồng trọt 2018 và Điều 14 Nghị định số 84/2019/NĐ-CP , tổ chức, cá nhân muốn sản xuất phân bón phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón.

1. Các điều kiện cần đáp ứng như sau:

   – Có địa điểm sản xuất, diện tích nhà xưởng phù hợp với quy mô sản xuất;

   – Có dây chuyền, máy móc, thiết bị phù hợp với quy trình sản xuất từng loại, dạng phân bón;

   – Có phòng thử nghiệm hoặc có hợp đồng với tổ chức thử nghiệm được chỉ định để đánh giá các chỉ tiêu chất lượng phân bón do mình sản xuất;

   – Có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp và được cập nhật với tiêu chuẩn do tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ban hành về quản lý chất lượng;

   – Có khu vực chứa nguyên liệu và khu vực thành phẩm riêng biệt;

   – Người trực tiếp điều hành sản xuất phải có trình độ từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học.

2. Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón

  – Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón;

  – Bản thuyết minh về điều kiện sản xuất phân bón;

  – Bản chụp bằng tốt nghiệp đại học trở lên của người trực tiếp điều hành sản xuất;

  – Bản sao chứng thực Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Quyết định phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết hoặc Giấy xác nhận đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc Cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về môi trường.

Đối với thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón, sau khi tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đã hợp lệ, Cục bảo vệ thực vật sẽ tổ chức buổi thẩm định trực tiếp tại đơn vị để đối chiếu hồ sơ và phục vụ cho công tác thẩm định.

Ngoài ra, công ty Luật Glaw Vietnam chuyên tư vấn xin giấy phép sản xuất phân bón. Các cá nhân hoặc doanh nghiệp đang muốn biết thêm về điều kiện sản xuất phân bón hoặc muốn tìm hiểu thêm về thủ tục có thể liên hệ Hotline: 0945.929.727 hoặc email: info@glawvn.com.