Xin giấy phép phòng cháy chữa cháy

XIN GIẤY PHÉP PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY

 

Giấy phép phòng cháy chữa cháy (PCCC) là tài liệu pháp lý chứng minh đối tượng được cấp đã đủ điều kiện PCCC theo quy định của pháp luật. Đây là một trong những loại giấy phép con phổ biến đối với doanh nghiệp, song lại tương đối phức tạp nếu muốn xin cấp do thủ tục, quy trình cấp trên thực tế còn nhiều vướng mắc và bất cập. Trong phạm vi bài viết này, GLaw Việt Nam sẽ chia sẻ đến Quý khách hàng các quy định pháp luật mới nhất, trình tự cũng như các thủ tục cần thiết để xin cấp loại giấy phép này.

 

I. Các đối tượng phải xin Giấy phép phòng cháy chữa cháy

Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định rất chi tiết các đối tượng cần và không cần phải xin Giấy phép phòng cháy chữa cháy và phân loại thành 4 nhóm đối tượng chính thông qua 4 phụ lục được ban hành kèm theo Nghị định này. Cụ thể:

  • Phụ lục I:  Danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy

Cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy là nơi sản xuất, kinh doanh, công trình công cộng, trụ sở làm việc, khu chung cư và các công trình độc lập. Các cơ sở này sẽ chỉ cần phải đáp ứng các điều kiện chung về phòng cháy chữa cháy được quy định tại Điều 7 của Nghị định này thì sẽ được cấp Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra.

Ví dụ: Nhà chung cư, nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ; Học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp, trường dạy nghề, trường phổ thông và trung tâm giáo dục; nhà trẻ, trường mẫu giáo; vũ trường, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí đông người,…

  • Phụ lục II: Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ

Cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ là cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy nhưng có yêu cầu cao về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy. Tương tự như các cơ sở tại Phụ lục I, cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ cần phải đảm bảo các điều kiện về phòng cháy chữa cháy khi được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và sẽ được cấp Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy nếu đáp ứng đủ các điều kiện luật định.

Ví dụ: Nhà máy điện; trạm biến áp từ 110 KV trở lên; Cửa hàng kinh doanh xăng dầu có từ 01 cột bơm trở lên; cửa hàng kinh doanh khí đốt có tổng lượng khí tồn chứa từ 70 kg trở lên,…

  • Phụ lục III: Danh mục cơ sở thuộc diện phải thông báo với cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy về việc bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy trước khi đưa vào sử dụng

Tương tư như các cơ sở tại hai phụ lục trên, các cơ sở tại phụ lục này cũng cần phải đáp ứng các điều kiện chung về phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, điểm khác biệt so với hai loại cơ sở trên đó là các cơ sở được quy định tại phụ lục này sau khi đã chuẩn bị đủ các điều kiện luật định sẽ phải thực hiện việc thông báo đến cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy để cơ quan này thực hiện việc kiểm tra. Sau khi đã kiểm tra xong thì mới được cấp Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy. Trong khi đó, các cơ sở tại Phụ lục I và II chỉ cần phải đáp ứng điều kiện chung, không cần phải thông báo và khi cần thiết thì mới phải xin kiểm tra và xin cấp loại Biên bản này từ cơ quan có thẩm quyền.

Ví dụ: Trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, nhà chung cư có chiều cao từ 09 tầng trở lên; nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, trụ sở làm việc của cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội và tổ chức khác, viện, trung tâm nghiên cứu cao từ 07 tầng trở lên; Kho xăng dầu có tổng dung tích 500 m3 trở lên; kho khí đốt có tổng trọng lượng khí từ 600 kg trở lên,…

  • Phụ lục IV: Danh mục dự án, công trình do cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy

Các dự án, công trình được quy định trong Phụ lục này thường là các dự án, công trình với kết cấu, quy mô lớn nên cần một phương án thiết kế phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp. Vì vậy, một loại giấy phát sinh thêm và là bắt buộc đối với các dự án công trình này là Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy. Việc thiết kế các phương án về phòng cháy chữa cháy cho các dự án, công trình này phải do một pháp nhân về cung cấp dịch vụ thiết kế về phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp thực hiện.

Ví dụ: Nhà chung cư cao 05 tầng trở lên; nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên; Học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường dạy nghề, trường phổ thông và các loại trường khác có khối lớp học có khối tích từ 5.000 m3 trở lên; Nhà trẻ, trường mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên,…

Như vậy, giả sử trường hợp Quý khách hàng là doanh nghiệp muốn kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn. Nếu địa điểm kinh doanh là tòa nhà từ 5 tầng trở lên thì Quý khách hàng sẽ phải thuê đơn vị làm đề án thiết kế về phòng cháy chữa cháy và xin cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy theo quy định của Phụ lục IV. Ngược lại, nếu địa điểm kinh doanh là tòa nhà dưới 5 tầng thì chỉ cần đáp ứng điều kiện về an toàn PCCC và xin biên bản nếu cần.

II. Thành phần hồ sơ xin cấp Giấy phép phòng cháy chữa cháy

  • Thành phần hồ sơ xin cấp Giấy phép phòng cháy chữa cháy bao gồm:

    • Đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép phòng cháy chữa cháy;

    • Bản sao y Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty;

    • Bảng thống kê phương tiện PCCC;

    • Nội quy về PCCC;

    • Nội quy về sử dụng điện;

    • Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về PCCC của các thành viên đã được huấn luyện;

    • Phương án chữa cháy của cơ sở: Phải tuân thủ theo mẫu và hướng dẫn của Bộ Công an liên quan đến những quy định về kế hoạch PCCC;

    • Quyết định của doanh nghiệp về việc thành lập đội PCCC cơ sở. Danh sách cá nhân đã qua đợt huấn luyện về việc PCCC: Nếu Công ty có ít hơn 10 người (nhân viên) thì tất cả nhân viên đều tham gia lực lượng; nếu từ 10 đến dưới 50 người thì lực lượng có ít nhất 10 người; nếu từ 50 đến 100 người thì lực lượng có ít nhất 15 người; nếu hơn 100 người thì ít nhất 25 người trong lực lượng.

III. Trình tự xin cấp phép

  • Cách thức nộp hồ sơ: Doanh nghiệp chuẩn bị 01 bộ hồ sơ xin cấp phép và nộp đến cơ quan có thẩm quyền. Sau khi tiến hành kiểm tra việc đáp ứng các điều kiện chung và/ hoặc hoàn thành việc thẩm duyệt thiết kế PCCC, cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp Giấy phép phòng cháy chữa cháy cho doanh nghiệp.
  • Cơ quan có thẩm quyền cấp:
    • Tùy từng loại hình kinh doanh mà cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép phòng cháy chữa cháy có sự khác biệt. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp, Cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy theo từng cấp là đơn vị có thẩm quyền.
    • Trong từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền có thể là Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh hoặc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh,…
  • ​​​​​Thời hạn xử lý: từ 20-30 ngày làm việc tùy trường hợp cụ thể.

KẾT LUẬN: Từ việc phân tích các đối tượng ở Mục I, có thể thấy rằng tại thời điểm hiện tại, Giấy phép về PCCC thực chất là Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy hoặc/và Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy. Sau khi thực hiện các thủ tục và nhận được loại Giấy phép phòng cháy chữa cháy nêu trên, Quý khách hàng có thể tiếp tục kinh doanh các ngành nghề mà mình đăng ký mà không cần phải lo ngại về vấn đề vị phạm các quy định về Giấy phép phòng cháy chữa cháy nữa.

 

GLaw Vietnam Chúng tôi cung cấp dịch vụ Tư vấn luật, Tư vấn đầu tư nước ngoài, Tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại Việt Nam. Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài Thành lập công ty, thành lập doanh nghiệp Việt Nam – Làm giấy phép kinh doanh Hotline: 0945 929 727 Email: [email protected]