Thành lập công ty có vốn nước ngoài tại Việt Nam

THÀNH LẬP CÔNG TY CÓ VỐN NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

 

Trong những năm gần đây, lượng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài chảy vào thị trường Việt Nam không ngừng gia tăng. Theo thông báo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến  20/12/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 38,02 tỷ USD, tính lũy kế đến thời này, cả nước có 30.827 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 362,58 tỷ USD. Những thống kê này đã phần nào cho thấy được Việt Nam dần trở thành điểm sáng thu hút đầu tư mới tại thị trường Đông Nam Á.

Một trong những yếu tố thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong đó có cơ chế và những chính sách ưu đãi đầu tư trong các ngành kinh tế được ban hành đúng thời điểm, phù hợp với từng giai đoạn và bối cảnh của nền kinh tế. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài cần phải nắm bắt được những quy định mới, những ưu đãi đầu tư khi tiến hành đầu tư vào Việt Nam nhằm hạn chế gặp phải những vướng mắc trong các thủ tục pháp lý, các loại giấy phép cần thiết cho hoạt động kinh doanh của mình.

I. Các hình thức thành lập công ty có vốn nước ngoài tại Việt Nam

Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài:

  • Đầu tư thành lập công ty có vốn nước ngoài tại Việt Nam.
  • Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp từ công ty Việt Nam.

Lưu ý: Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong các tổ chức kinh tế trừ các trường hợp theo quy định của pháp luật về chứng khoán và pháp luật về cổ phần hóa, chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, phải tuân thủ các điều kiện về hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam tham gia hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định của các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

II. Thủ tục thành lập công ty có vốn nước ngoài tại Việt Nam

Theo quy định tại Điều 44, Nghị định 118/2015 Hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2014, nhà đầu tư nước ngoài cần phải thực hiện Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Việt Nam trước khi thành lập doanh nghiệp.

1. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Theo Điều 36 Luật Đầu tư 2014, quy định chi tiết các trường hợp phải có và không phải có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cụ thể như sau:

  • Những trường hợp đầu tư phải có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:
    • Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài;
    • Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế: Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hợp đồng BCC thuộc một trong các trường hợp sau đây:

* Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;

* Có tổ chức kinh tế quy định tại mục 1 nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên;

* Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại mục 1 nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên.

Đối với dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư thì Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quyết định chủ trương đầu tư.

Đối với dự án đầu tư không thuộc diện chủ trương đầu tư thì nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Tham khảo bài viết: CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ ĐẦU TƯ CHO NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI để nắm rõ hơn về trình tự và thủ tục thực hiện.

  • Những trường hợp đầu tư không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:
    • Dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước;
    • Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (không thuộc trường hợp đầu tư phải có Giấy chứng nhận đầu tư) thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư cần chuẩn bị hồ sơ để thành lập doanh nghiệp.

2. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sau khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Hồ sơ cần chuẩn bị:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
  • Điều lệ của công ty;
  • Danh sách các thành viên hoặc Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài;
  • Bản sao các giấy tờ sau:
  1. Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên hoặc các cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân;
  2. Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức;
  3. Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
  4. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài đã được cấp theo quy định của Luật đầu tư.

Thời gian thực hiện: 05-07 ngày làm việc

Nơi thực hiện: Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính

 

GLaw Vietnam

Chúng tôi cung cấp dịch vụ Tư vấn luật, Tư vấn đầu tư nước ngoài, Tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài
Thành lập công ty, thành lập doanh nghiệp Việt Nam
Làm giấy phép kinh doanh

Hotline: 0945 929 727
Email: [email protected]