Nhập khẩu máy tinh, linh kiện điện tử cho mục đích sử dụng nội bộ hoặc kinh doanh

NHẬP KHẨU MÁY TÍNH, LINH KIỆN ĐIỆN TỬ CHO MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG

NỘI BỘ HOẶC KINH DOANH

 

   Hiện nay có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong quá trình nhập khẩu máy tính, linh kiện điện tử, máy móc phục vụ quá trình sản xuất và vận hành nội bộ doanh nghiệp bị Hải quan từ chối thông quan. Có rất nhiều nguyên nhân cho việc từ chối này, trong số đó có thể kể đến là việc doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng máy tính, linh kiện điện tử được xác định là đã qua sử dụng.

   Theo quy định hiện hành, cụ thể là tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP hướng dẫn về Luật quản lý ngoại thương, Chính phủ đã cấm việc nhập khẩu các sản phẩm công nghệ, thiết bị gia dụng, thiết bị y tế đã qua sử dụng. Như vậy, có thể thấy rằng để nhập khẩu máy tính và linh kiện điện tử vào nước ta tại thời điểm này, điều kiện tiên quyết đó là doanh nghiệp phải nhập khẩu những sản phẩm hoàn toàn mới và chưa qua sử dụng.

   Bên cạnh đó, việc khai báo hải quan về loại hình nhập khẩu cũng rất quan trọng do nó có liên quan đến mục đích sử dụng sản phẩm, việc khai thuế và hoàn thuế của doanh nghiệp, … Ngoài ra, việc khai báo loại hình nhập khẩu nếu sai sẽ không thể chỉnh sửa mà phải hủy đi tờ khai đó hoặc trong trường hợp đã may mắn thông quan thì sau đó doanh nghiệp cũng sẽ phải thực hiện chuyển đổi loại hình nhập khẩu theo quy định của pháp luật.

   Các rất nhiều loại hình nhập khẩu được quy định trong luật với các mục đích khác nhau. Trong bài viết này, GLaw sẽ chỉ đề cập về các loại hình phục vụ cho mục đích nhập khẩu để sử dụng nội bộ hoặc nhập khẩu để kinh doanh của doanh nghiệp.

1. Đối với doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam:

Trường hợp này tương đối đơn giản do Nhà nước luôn thực hiện việc khuyến khích doanh nghiệp trong nước. Vậy nên chỉ cần là loại hàng hóa không thuộc Danh mục cấm nhập khẩu, hạn chế nhập khẩu thì có thể được nhập khẩu một cách dễ dàng. Hình thức nhập khẩu thường dùng đối với mục đích sử dụng nội bộ và bán ra thị trường trong nước đối với loại hình doanh nghiệp này là A11.

2. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Doanh nghiệp FDI):

Mục đích sử dụng của hàng hóa trong trường hợp này đóng vai trò quan trọng để xác định loại hình.

   – Mục đích sử dụng nội bộ: Nếu doanh nghiệp nhập khẩu trang thiết bị với mục đích sử dụng nội bộ thì có thể khai báo hải quan theo loại hình nhập khẩu A12. Với loại hình này, doanh nghiệp sẽ không cần phải đăng ký quyền nhập khẩu hàng hóa mà chỉ cần thỏa mãn các điều kiện của loại hàng hóa đó (ví dụ như hàng hóa không thuộc Danh mục cấm nhập khẩu, hạn chế nhập khẩu, …)

   – Mục đích để bán ra thị trường: Nếu doanh nghiệp nhập khẩu trang thiết bị với mục đích bán ra thị trường thì có thể khai báo hải quan theo loại hình nhập khẩu A41. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp FDI, loại hình này chỉ được sử dụng nếu doanh nghiệp đã đăng ký quyền nhập khẩu hàng hóa.

Khác với doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, doanh nghiệp FDI nếu muốn thực hiện việc nhập khẩu phải thực hiện việc đăng ký thực hiện quyền nhập khẩu đối với máy tính, linh kiện điện tử. Quyền nhập khẩu hàng hóa được đăng ký thông qua việc điều chỉnh ngành nghề trong các giấy phép của doanh nghiệp.

 

GLaw Vietnam

Chúng tôi cung cấp dịch vụ Tư vấn luật, Tư vấn đầu tư nước ngoài, Tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài
Thành lập công ty, thành lập doanh nghiệp Việt Nam
Làm giấy phép kinh doanh

Hotline: 0945 929 727
Email: info@glawvn.com