Làm Thế Nào Để Rút Vốn Ra Khỏi Công Ty Cổ Phần?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ RÚT VỐN RA KHỎI CÔNG TY CỔ PHẦN?

 

   Hiện nay, trong một số trường hợp khi nhận thấy công ty hoạt động không hiệu quả thì nhu cầu rút vốn ra khỏi công ty của cổ đông ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành thì cổ đông phổ thông không được tự do rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần.[1] Hoặc đối với cổ đông sáng lập, xuất phát từ vai trò quan trọng của mình mà việc chuyển nhượng cổ phần hay rút vốn khỏi công ty cũng có một số hạn chế nhất định. Vậy làm thế nào để rút vốn ra khỏi Công ty cổ phần?

[1] Khoản 1 Điều 115 Luật Doanh nghiệp

 

Cơ sở pháp lý

   + Luật Doanh nghiệp 2014

   + Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp

   + Nghị định 108/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 78/2015/NĐ-CP

 

Các trường hợp rút vốn ra khỏi Công ty cổ phần

   + Yêu cầu công ty mua lại cổ phần;

   + Chuyển nhượng cổ phần cho người khác

   + Chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông

   + Chuyển nhượng cổ phần cho người khác không phải cổ đông

 

Trường hợp 1: Yêu cầu công ty mua lại cổ phần

   – Điều kiện: Trong trường hợp Cổ đông biểu quyết phản đối nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình.[1]

   – Cách thức thực hiện: yêu cầu bằng văn bản trong đó nêu rõ tên, địa chỉ của cổ đông, số lượng cổ phần từng loại, giá dự định bán, lý do yêu cầu công ty mua lại.

   – Thời hạn yêu cầu: Yêu cầu phải được gửi đến công ty trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết về các vấn đề quy định tại khoản này.

[1] Khoản 1 Điều 129 Luật Doanh nghiệp

 

Trường hợp 2: Chuyển nhượng cổ phần

Theo Khoản 1 Điều 126 Luật Doanh nghiệp “Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.”

 

 

Phương thức chuyển nhượng[1]

Cổ đông có thể chuyển nhượng cổ phần theo một trong hai phương thức sau:

   – Chuyển nhượng theo hợp đồng dân sự;

   – Thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi trường hợp chuyển nhượng đều có thể lựa chọn phương thức giao dịch trên thị trường chứng khoán mà muốn sử dụng phương thức này phải đáp ứng các điều kiện về giao dịch trên thị trường chứng khoán và tuân thủ theo pháp luật chứng khoán.

 

1. Chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập[2]

   – Chuyển nhượng cổ phần phổ thông cho cổ đông sáng lập khác

Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác.

 

   – Chuyển nhượng cổ phần phổ thông cho người không phải cổ đông sáng lập

Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.

Các trường hợp cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cổ phần cho người không phải cổ đông sáng lập[3]:

   + Sau 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

   + Cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp;

   + Cổ phần mà cổ đông sáng lập chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập của công ty.

 

  – Trường hợp không được chuyển nhượng cổ phần

   + Cổ đông sáng lập sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác.[4] Tuy nhiên, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chỉ có hiệu lực trong 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh[5]. Như vậy, sau 03 năm khi cổ phần ưu đãi biểu quyết chuyển thành cổ phần phổ thông thì mới có thể chuyển nhượng.

   + Trường hợp Điều lệ của công ty quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập thì các quy định này có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.[6]

 

   – Thủ tục chuyển nhượng cổ phần theo hợp đồng

   Trước đây, cổ đông sáng lập khi chuyển nhượng phải thông báo với Phòng đăng ký kinh doanh  (ĐKKD) – Sở Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên từ 10/10/2018 Căn cứ theo quy định tại nghị định 108/2018/NĐ-CP điều chỉnh thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp đã quy định việc thay đổi cổ đông do chuyển nhượng cổ phần chỉ phải thông báo đến phòng ĐKKD (Tức là phải thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) khi thuộc 2 trường hợp: một là chuyển nhượng cổ phần cho người nước ngoài; hai là thay đổi cổ đông sáng lập do không góp đủ vốn.

   Như vậy, với trường hợp này doanh nghiệp không cần nộp hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh mà chỉ cần lưu giữ hồ sơ nội bộ về chuyển nhượng cổ phần và thực hiện khai và nộp thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng cổ phần. Thủ tục chuyển nhượng cụ thể như sau:

   + Biên bản họp, quyết định của Đại hội đồng cổ đông về việc chuyển nhượng cổ phần (chỉ áp dụng trong trường hợp cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần trong 3 năm đầu từ khi thành lập công ty theo điều kiện chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập);[7]

   + Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần[8] hoặc biên bản thanh lý/giấy tờ xác nhận hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phần;

   + Tiến hành ghi nhận thông tin cổ đông mới trong số cổ đông[9]

 

2. Chuyển nhượng cổ phần của cổ đông phổ thông

   Theo quy định pháp luật, cổ đông phổ thông không bị hạn chế chuyển nhượng cổ phần như cổ đông sáng lập tuy nhiên trong trường hợp Điều lệ có quy định rõ về hạn chế chuyển nhượng đối với cổ đông phổ thông thì phải tuân thủ theo quy định của điều lệ.

   – Thủ tục chuyển nhượng cổ phần theo hợp đồng của cổ đông phổ thông

   + Các bên liên quan ký kết và thực hiện hợp đồng chuyển nhượng cổ phần[10];

   + Tiến hành lập biên bản xác nhận về việc đã hoàn thành thủ tục chuyển nhượng cổ phần;

   + Tiến hành chỉnh sửa, bổ sung thông tin trong Sổ đăng ký cổ đông[11].

[1] Khoản 2 Điều 126 Luật Doanh nghiệp

[2] Khoản 3 Điều 119 Luật Doanh nghiệp

[3] Khoản 4 Điều 119 Luật Doanh nghiệp

[4] Khoản 3 Điều 116 Luật Doanh nghiệp

[5] Khoản 3 Điều 113, Luật Doanh nghiệp

[6] Khoản 1 Điều 126 Luật Doanh nghiệp

[7] Khoản 3 Điều 119, điểm c Khoản 3 Điều 136 Luật Doanh nghiệp

[8] Khoản 2 Điều 126 Luật Doanh nghiệp

[9] Khoản 5 Điều 124 Luật Doanh nghiệp

[10] Khoản 3 Điều 136 Luật Doanh nghiệp

[11] Khoản 5 Điều 124 Luật Doanh nghiệp

 

GLaw Vietnam

Chúng tôi cung cấp dịch vụ Tư vấn luật, Tư vấn đầu tư nước ngoài, Tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài
Thành lập công ty, thành lập doanh nghiệp Việt Nam
Làm giấy phép kinh doanh

Hotline: 0945 929 727
Email: info@glawvn.com