Khi nào cần phải xin giấy chứng nhận đầu tư

KHI NÀO CẦN PHẢI XIN GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ ĐẦU TƯ?

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tiếng anh là Investment Registration Certificate – IRC) là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư. Tuy nhiên, không phải dự án đầu tư nào cũng cần phải xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong bài viết này, Glaw Việt Nam sẽ thông tin đến Quý khách hàng các trường hợp cần và không cần phải xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật đầu tư 2020 hiện hành.

1. Các trường hợp cần phải xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 37, Luật đầu tư 2020, các trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:

– Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài;

– Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật đầu tư 2020. Cụ thể:

   + Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;

   + Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;

   + Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

2. Các trường hợp không cần phải xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Điều 37, Luật đầu tư 2020, Nhà đầu tư, tổ chức kinh tế không cần phải xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong các trường hợp sau:

– Dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước;

– Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế;

– Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật đầu tư 2020. Cụ thể là đối với tổ chức kinh tế mà:

   + Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ ít hơn hoặc bằng 50% vốn điều lệ hoặc có thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh chiếm thiểu số;

   + Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a nắm giữ ít hơn hoặc bằng 50% vốn điều lệ;

   + Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a nắm giữ ít hơn hoặc bằng 50% vốn điều lệ.

Lưu ý: Tổ chức kinh tế thuộc các trường hợp này thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC và chỉ được triển khai thực hiện dự án đầu tư sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư đối với những dự án phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh.

3. Trường hợp có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư

Trong trường hợp, nhà đầu tư có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với những dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước hoặc dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại Khoản 2, Điều 23 nêu trên, nhà đầu tư vẫn có thể thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư hiện hành.

 

GLaw Vietnam

Chúng tôi cung cấp dịch vụ Tư vấn luật, Tư vấn đầu tư nước ngoài, Tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài
Thành lập công ty, thành lập doanh nghiệp Việt Nam
Làm giấy phép kinh doanh

Hotline: 0945 929 727
Email: info@glawvn.com