ÉP VIÊN PHÂN GÀ TỪ DẠNG BỘT LÀ ĐÓNG GÓI
HAY SẢN XUẤT PHÂN BÓN?
Hiện nay, trên thị trường có 2 dạng phân gà nhập khẩu (đặc biệt là phân gà nhập khẩu từ Nhật Bản) phổ biến là phân dạng bột và dạng viên.
Dạng viên thường được đánh giá cao hơn về mặt chất lượng, vì vậy mà giá thành cũng cao hơn. Để giảm thiểu chi phí nhập khẩu, tăng tính cạnh tranh về giá cả trên thị trường thì có một số đơn vị nhập khẩu phân gà dạng bột, sau đó đầu tư máy móc và dây chuyền để ép viên nén từ nguyên liệu bột này.
Vậy hoạt động ép viên phân gà như trên được xem là hoạt động đóng gói phân bón hay là sản xuất phân bón theo quy định hiện hành? Và thủ tục xin giấy phép ép viên phân gà như thế nào?
1. Ép viên phân bón là hoạt động đóng gói hay sản xuất?
Luật trồng trọt hiện hành không định nghĩa đóng gói phân bón và sản xuất đóng gói. Vì vậy, không có cơ sở pháp lý để định nghĩa. Tuy nhiên, trước đây tại Nghị định 108/2017/NĐ-CP thì có định nghĩa như sau:
- Đóng gói phân bón là việc sử dụng máy móc, thiết bị để san chiết phân bón từ dung tích lớn sang dung tích nhỏ, từ bao bì lớn sang bao bì nhỏ hoặc là hình thức đóng gói từ dung tích, khối lượng cố định vào bao bì theo một khối lượng nhất định mà không làm thay đổi bản chất, thành phần, hàm lượng, màu sắc, dạng phân bón.
- Sản xuất phân bón là việc thực hiện một phần hoặc toàn bộ hoạt động tạo ra sản phẩm phân bón thông qua phản ứng hóa học, sinh hóa, sinh học hoặc các quá trình vật lý như nghiền, trộn, sàng, sấy, bọc, tạo hạt, viên hoặc khuấy trộn, lọc hoặc chỉ đóng gói phân bón.
Qua định nghĩa tại Nghị định 108/2017/NĐ-CP thì có thể thấy hoạt động ép viên phân gà từ nguyên liệu dạng bột có làm thay đổi dạng phân bón từ bột sang viên nén nên đây được xem là hoạt động sản xuất phân bón.
2. Thủ tục xin giấy phép ép viên phân gà
Như phân tích ở trên, ép viên phân gà được xem là hoạt động sản xuất phân bón. Đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vì vậy để thực hiện được hoạt động này phải đáp ứng các điều kiện sau:
a. Chủ thể thực hiện hoạt động
Phải thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh cá thể hoặc hợp tác xã. Tuy nhiên, đối với hộ kinh doanh cá thể thì không được sử dụng quá 10 lao động.
Thủ tục thành lập doanh nghiệp, tham khảo tại Dịch vụ thành lập công ty
b. Điều kiện phải đáp ứng để xin giấy phép ép viên phân gà (giấy phép sản xuất phân bón)
- Tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón phải có địa điểm sản xuất, diện tích nhà xưởng phù hợp với quy mô sản xuất;
- Có dây chuyển, máy móc, thiết bị phù hợp với quy trình sản xuất;
- Có phòng thử nghiệm hoặc có hợp đồng với tổ chức thử nghiệm được chỉ định để đánh giá các chỉ tiêu chất lượng cho phân bón do mình sản xuất;
- Có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp và được cập nhật với tiêu chuẩn do tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ban hành về quản lý chất lượng;
- Có khu vực chứa nguyên liệu và khu vực thành phẩm riêng biệt;
- Người trực tiếp điều hành sản xuất phải có trình độ từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học.
c. Cơ quan cấp phép: Cục Bảo vệ thực vật – Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn
d. Thời gian thực hiện: Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, tổ chức Đoàn thẩm định để kiểm tra cơ sở. Trường hợp kiểm tra Đạt, cấp giấy phép trong vòng 05 ngày.
Công ty Luật Glaw Vietnam chuyên tư vấn Thủ tục nhập khẩu phân bón và Xin giấy phép sản xuất phân bón. Các cá nhân hoặc doanh nghiệp đang có nhu cầu và tìm hiểu thêm về thủ tục có thể liên hệ Hotline: 0945.929.727 hoặc email: [email protected]