THỦ TỤC NHẬP KHẨU PHÂN BÓN LÀM NGUYÊN LIỆU
Giống như tất cả các sinh vật sống, thay vì ăn thức ăn như động vật thì thực vật hấp thụ chất dinh dưỡng từ đất để nuôi sống bản thân. Tuy nhiên, khi mùa màng được thu hoạch thì chất dinh dưỡng trong đất cũng theo đó mà mất đi. Thường thì trong một thời gian ngắn, đất không thể tự bổ sung chất dinh dưỡng được, do đó chúng ta cần bón phân để cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng vào đất. Đó là lý do vì sao một đất nước nông nghiệp như Việt Nam luôn có nhu cầu về phân bón rất cao.
Để phát triển, cây trồng cần nhiều chất dinh dưỡng khác nhau, trong đó có ba thành phần chính là các hợp chất Nitơ, Phốt pho và Kali. Thêm vào đó, các nhà sản xuất phân bón còn pha trộn thêm các chất dinh dưỡng thứ cấp để giúp tăng hiệu quả của việc bón phân hơn. Những năm gần đây, ngành sản xuất phân bón ở Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá thành nguyên liệu trong nước cao,… nên sản phẩm tạo ra không cạnh tranh được với phân bón nhập khẩu, vì vậy, để đỡ chi phí các nhà sản xuất thường nhập khẩu nguồn nguyên liệu của các nước trên thế giới như Nhật, Ấn Độ, Nga,…để về làm nguyên liệu sản xuất phân bón trước khi bán ra thị trường.
1. Cách xác định phân bón làm nguyên liệu?
Căn cứ vào mục đích sử dụng để xác định phân bón nào là phân bón làm nguyên liệu. Cụ thể, phân bón được nhập về sẽ không được dùng để bán trực tiếp, mà chủ thể nhập về sẽ thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động sau đây: phối trộn, pha chế, nghiền, sàng, sơ chế, ủ, lên men, chiết xuất, tái chế, làm khô, làm ẩm, tạo hạt, đóng gói và hoạt động khác thông qua quá trình vật lý, hóa học hoặc sinh học,… để tạo ra sản phẩm phân bón mới.
2. Thủ tục nhập khẩu phân bón làm nguyên liệu
Bởi vì đối tượng nhập khẩu là phân bón, nên phân bón nhập về vẫn phải đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng của phân bón theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón. Các loại phân bón khác nhau sẽ có những chỉ tiêu về chất lượng khác nhau.
Ví dụ, muốn nhập khẩu các loại phân bón dưới đây để làm nguyên liệu, cần đáp ứng những chỉ tiêu tương ứng sau đây:
- Nhập khẩu phân Urê thì hàm lượng đạm tổng số (% khối lượng Nts ) phải ≥ 46 %; và độ ẩm (đối với dạng rắn) ≤ 1%;
- Phân bón hỗn hợp NK thì tổng hàm lượng đạm tổng số và kali hữu hiệu phải ≥ 18%; ; Hàm lượng đạm tổng số ≥ 3%; Hàm lượng kali hữu hiệu ≥ 3%; Độ ẩm (đối với dạng rắn) ≤ 5%.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật Trồng trọt 2018 thì nhập khẩu phân bón làm nguyên liệu để sản xuất phân bón khác thì chỉ cần thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép nhập khẩu phân bón.
1. Hồ sơ cần chuẩn bị để xin Giấy phép nhập khẩu phân bón làm nguyên liệu sản xuất phân bón:
- Đơn đăng ký nhập khẩu phân bón;
- Tờ khai kỹ thuật;
- Văn bản của nhà sản xuất về chỉ tiêu chất lượng, hướng dẫn sử dụng, cảnh báo an toàn và yếu tố hạn chế của phân bón;
- Giấy chứng nhận lưu hành tự do (Certificate of Free Sale – CFS) do nước xuất khẩu cấp;
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân.
- Thẩm quyền cấp: Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Thời hạn cấp phép: 07 ngày làm việc kể từ ngày hồ sơ hợp lệ.
- Kết quả thực hiện: Giấy phép nhập khẩu phân bón, thời hạn của Giấy phép là 01 năm. Giấy phép này không được gia hạn, hết thời hạn giấy phép theo quy định, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục tương tự để xin cấp mới Giấy phép nhập khẩu.
3. Một số lưu ý liên quan đến hoạt động nhập khẩu
Mặc dù nhập khẩu về với mục đích là làm nguyên liệu để tạo ra phân bón, nhưng phân bón nhập về vẫn phải đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón thì mới được thông quan;
Ngoài ra, chủ thể nhập khẩu phân bón làm nguyên liệu phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón hoặc Hợp đồng mua bán với cơ sở sản xuất phân bón hoặc các giấy tờ tương đương (nếu trường hợp nhập về để bán cho cơ sở khác làm nguyên liệu sản xuất phân bón).
Ngoài ra, công ty Luật GLaw Vietnam chuyên tư vấn thủ tục nhập khẩu phân bón. Các cá nhân hoặc doanh nghiệp đang có nhu cầu nhập khẩu phân bón hoặc muốn tìm hiểu thêm về thủ tục có thể liên hệ Hotline: 0945.929.727 hoặc email: [email protected].