Thủ tục ly hôn đơn phương

THỦ TỤC LY HÔN ĐƠN PHƯƠNG

I. Phân biệt đơn phương ly hôn và thuận tình ly hôn

  1. Thuận tình ly hôn: Là trường hợp cả 2 vợ chồng đồng ý về việc ly hôn, cùng ký vào đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con. Đây là việc dân sự, yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
  2. Đơn phương ly hôn: Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành gọi đây là trường hợp Ly hôn theo yêu cầu của một bên, theo đó đây là tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Khi một bên có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn.

II. Điều kiện để được yêu cầu ly hôn đơn phương

Thứ nhất, muốn yêu cầu ly hôn thì điều kiện tiên quyết là vợ và chồng phải có mối quan hệ hôn nhân hợp pháp, có đăng ký kết hôn hoặc là các trường hợp không đăng ký kết hôn nhưng được công nhận là quan hệ vợ chồng hợp pháp.

Trường hợp nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn hoặc không được công nhận là quan hệ vợ chồng hợp pháp thì chỉ yêu cầu giải quyết quan hệ tài sản, con cái, nghĩa vụ chung (nếu có tranh chấp) theo trường hợp nam nữ sống chung như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn, không yêu cầu giải quyết ly hôn.

Thứ hai, có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được; hoặc trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn.

Như vậy, không phải tất cả các trường hợp yêu cầu giải quyết ly hôn đều được Tòa án đồng ý, mà bên khởi kiện phải chứng minh được mình đáp ứng các điều kiện để được yêu cầu ly hôn.

III. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

Không phải bất cứ ai cũng có quyền nộp đơn khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết ly hôn, theo Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành, chỉ các chủ thể sau đây mới được quyền yêu cầu giải quyết ly hôn.

  1. Đối với đơn phương ly hôn, thì vợ hoặc chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Tuy nhiên, Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
  2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

IV. Cần chuẩn bị gì trước khi nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn

Thông thường, một vụ khởi kiện yêu cầu giải quyết ly hôn đơn phương, theo thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành sẽ kéo dài từ 04 đến 06 tháng. Tuy nhiên, trên thực tế có những vụ việc sẽ kéo dài hơn so với thời gian trên, nếu người yêu cầu khi trước khi thực hiện thủ tục không tiến hành chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu chứng cứ cũng như nắm rõ quy định để tuân thủ. Việc chuẩn bị đầy đủ sẽ tránh trường hợp bị Tòa án yêu cầu thực hiện bổ sung, dẫn đến kéo dài thời gian.

Vậy trước khi nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn, người yêu cầu ly hôn cần lưu chuẩn bị gì?

  • Thủ tục hòa giải tại địa phương có phải là thủ tục bắt buộc trước khi khởi kiện hay không?

Hòa giải tại địa phương không phải là thủ tục bắt buộc phải tiến hành trước khi khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Hòa giải tại Tòa án sẽ được thực hiện sau khi Tòa án thụ lý đơn và đây là thủ tục bắt buộc.

Vậy nên nếu có điều kiện, các bên cũng nên tiến hành việc hòa giải tại địa phương trước hoặc đơn giản là tổ chức việc hòa giải có sự tham dự của những người am hiểu pháp luật, từ đó sẽ giúp cho những mâu thuẫn, tranh chấp có thể dễ dàng thương lượng được, hoặc cũng có thể nắm bắt được ý chí, yêu cầu của đối phương, từ đó sẽ có yêu cầu khởi kiện phù hợp với tình hình thực tế. Việc tiến hành hòa giải trước khi khởi kiện cũng sẽ góp phần làm cho quá trình hòa giải tại Tòa sẽ nhanh chóng và thuận tiện hơn, tránh trường hợp phải hòa giải nhiều lần tại Tòa án, làm kéo dài thời gian.

  • Ly thân có phải là điều kiện bắt buộc để được yêu cầu đơn phương ly hôn

Hiện nay, trong Luật không có khái niệm về ly thân, cũng không có quy định ly thân là căn cứ để giải quyết cho ly hôn. Trên thực tế có những vụ việc mà vợ chồng không sống chung vì không phù hợp một vài yếu tố chứ không hẳn là phải có ngoại tình, bạo lực gia đình,…thì đối với các trường hợp này ly thân cũng là một trong những cơ sở để chứng minh mục đích hôn nhân không đạt được, từ đó làm căn cứ để yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn. Tuy nhiên, không phải là trường hợp nào ly thân cũng là căn cứ để Tòa giải quyết, mà đây chỉ là một cơ sở để Tòa án xem xét trong quá trình giải quyết.

  • Cần xác định nơi cư trú của vợ/chồng

Thông thường, đối với các trường hợp ly hôn đơn phương, vợ và chồng không còn chung sống với nhau, vì vậy có khả năng không xác định được nơi cư trú của đối phương.

Việc xác định này là quan trọng, vì nó là căn cứ để xác định được nơi sẽ nộp hồ sơ khởi kiện yêu cầu ly hôn. Vì vậy, trước khi tiến hành, người yêu cầu ly hôn cần xác định chính xác địa chỉ nơi cư trú của người còn lại, để đảm bảo không nộp hồ sơ ở sai nơi, cũng như Tòa án không triệu tập được đối phương lên Tòa để giải quyết.

  • Làm gì khi bị mất/xé giấy chứng nhận kết hôn bản chính

Giấy chứng nhận kết hôn sẽ được cấp cho vợ và chồng mỗi người 01 bản chính. Tuy nhiên, trên thực tế khi xảy ra mâu thuẫn, nhiều trường hợp làm mất Giấy chứng nhận kết hôn hoặc xé trong khi Giấy này là một tài liệu được yêu cầu trong hồ sơ khởi kiện.

Đối với trường hợp này, cần chuẩn bị bản trích lục Giấy chứng nhận kết hôn.

V. Hồ sơ khởi kiện yêu cầu ly hôn

Thông thường, một vụ án đơn phương ly hôn sẽ yêu cầu Tòa án giải quyết các vấn đề sau: Giải quyết ly hôn; Phân chia tài sản chung, nợ chung; Giải quyết con chung và yêu cầu cấp dưỡng.

Hồ sơ khởi kiện ly hôn bao gồm các giấy tờ sau:

  • Đơn xin ly hôn;
  • Bản sao chứng thực Giấy CMND/CCCD của vợ chồng;
  • Giấy chứng nhận kết hôn (bản chính), trường hợp không có bản chính thì nộp bản trích lục kèm theo lý do;
  • Bản sao chứng thực Giấy khai sinh của con nếu có con chung;
  • Giấy tờ tài liệu chứng minh quyền sở hữu tài sản tài sản, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp có tranh chấp tài sản;
  • Giấy vay nợ, mượn nợ,… trong trường hợp yêu cầu giải quyết nợ chung;

VI. Nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết ly hôn ở đâu

Trường hợp cả vợ và chồng đều là người Việt Nam, thì theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, đây là tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú (trường trú hoặc làm việc) nếu hai bên không có văn bản thỏa thuận về Tòa án giải quyết tranh chấp.

Trường hợp bị đơn (vợ/chồng) là người nước ngoài thì nơi nộp hồ sơ khởi kiện như sau:

  • Nếu bị đơn có nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) ở Việt Nam thì nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bị đơn cư trú;
  • Nếu bị đơn không có nơi cư trú tại Việt Nam thì nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi nguyên đơn cư trú.

VII. Án phí khi nộp hồ sơ khởi kiện giải quyết ly hôn đơn phương

Đối với yêu cầu giải quyết ly hôn, nguyên đơn có nghĩa vụ nộp toàn bộ án phí là 300.000 đồng.

Trường hợp nộp đơn yêu cầu giải quyết ly hôn kèm theo giải quyết tranh chấp về tài sản thì tùy theo giá trị yêu cầu phân chia sẽ xác định án phí phải nộp.

VIII. Thời gian giải quyết yêu cầu ly hôn

Đối với phiên tòa sơ thẩm:

  • Thời gian thụ lý: Trong thời hạn 03 ngày kẻ từ ngày nhận được đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án sẽ phân công Thẩm phán xem xét đơn kiện. 05 ngày kể từ ngày được phân công, Thẩm phán xem xét đơn và quyết định có thụ lý vụ án hay không. Nếu đơn khởi kiện hợp lệ, trong thời hạn 07 ngày người nộp đơn có nghĩa vụ đóng tạm ứng án phí và Tòa án sẽ thụ lý vụ án sau khi người nộp đơn nộp biên lai đóng tạm ứng án phí.
  • Thời gian xét xử: đối với trường hợp đơn phương ly hôn là 04 tháng kẻ từ ngày Tòa án thụ lý vụ án. Trường hợp vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng thì có thể gia hạn nhưng không quá 02 tháng.

Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn liên quan đến tranh chấp ly hôn, vui lòng liên hệ với Công ty Luật GLaw, để được các luật sư có nhiều kinh nghiệm tư vấn ly hôn hỗ trợ tư vấn. Chúng tôi cung cấp gói dịch vụ tư vấn trọn gói như sau:

  • Giải đáp tất cả thắc mắc của khách hàng liên quan đến vụ việc ly hôn;
  • Tư vấn phương án để đạt được thương lượng với bên còn lại;
  • Tư vấn phương án khởi kiện tại Tòa án;
  • Hướng dẫn khách hàng các loại hồ sơ, tài liệu chứng cứ cần chuẩn bị để yêu cầu ly hôn, giải quyết tranh chấp tài sản và dành quyền nuôi con;
  • Giải thích các quy định pháp luật liên quan đến ly hôn, phân chia tài sản, nợ chung và con chung.

 

Phí tư vấn: Từ 1.000.000 đồng/01 giờ tư vấn. Miễn phí cho các trường hợp hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân của bạo hành gia đình.

Hotline tư vấn ly hôn: 0938 225 417