Thủ tục góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài

THỦ TỤC GÓP VỐN CỦA NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀO CÔNG TY VIỆT NAM

Theo quy định của Luật đầu tư 2014, góp vốn vào tổ chức kinh tế là một trong các hình thức đầu tư được thừa nhận bởi luật này. Bằng việc góp vốn vào tổ chức kinh tế, Nhà đầu tư nước ngoài (“Nhà đầu tư”) có thể trở thành thành viên hoặc cổ đông của tổ chức kinh tế đó mà không phải thực hiện việc xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, qua đó tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức. Trong phạm vi bài viết này, GLaw Việt Nam sẽ thông tin đến Khách hàng các quy định về hình thức góp vốn vào tổ chức kinh tế, các thủ tục cũng như một số lưu ý khi Khách hàng lựa chọn hình thức này để thực hiện việc đầu tư vào Việt Nam.

I. Một số quy định liên quan đến việc góp vốn của Nhà đầu tư nước ngoài

1. Về hình thức góp vốn

Điều 25 Luật đầu tư 2014 quy định rằng Nhà đầu tư được góp vốn vào tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:

  • Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần: Sau một thời gian hoạt động, công ty cổ phần nếu đáp ứng đủ điều kiện nhất định theo Luật chứng khoán thì có thể thực hiện tăng vốn bằng cách Phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) để từ đó trở thành công ty cổ phần đại chúng hoặc đơn giản hơn là tăng vốn bằng việc công ty cổ phần phát hành thêm cổ phần. Khi đó, Nhà đầu tư có thể mua các loại cổ phần đó và trở thành cổ đông của công ty;
  • Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh: là trường hợp công ty TNHH, công ty hợp danh muốn tăng vốn bằng cách tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới. Lúc này Nhà đầu tư góp vốn và trở thành thành viên mới của công ty TNHH, công ty hợp danh đó;
  • Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc các trường hợp trên.

2. Về tỷ lệ sở hữu vốn của Nhà đầu tư

Nhìn chung, Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế, trừ các trường hợp sau đây:

  • Tại các quỹ, công ty niêm yết, công ty đại chúng hoặc tổ chức kinh doanh chứng khoan theo quy định;
  • Tại các công ty nhà nước cổ phần hóa hoặc các hình thức tương tự theo quy;
  • Và theo quy định ở điểm a và điểm b mục này thực hiện theo các quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế.

3. Về ngành nghề kinh doanh

Do xu hướng hội nhập, hiện tại Việt Nam đã mở cửa rất nhiều đối với các ngành nghề mà Nhà đầu tư có thể được thực hiện đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, các ngành nghề không được đầu tư hoặc bị hạn chế đầu tư không phải là không còn. Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế này là bởi vì đây phần lớn là các ngành nghề cần sự quản lý và giám sát chặt chẽ hơn của Nhà nước do mức độ ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng và nền kinh tế nội địa.

Việc xem xét nhà đầu tư nước ngoài có đáp ứng điều kiện ngành nghề khi góp vốn vào doanh nghiệp Việt Nam căn cứ vào:

  • Biểu cam kết WTO của Việt Nam;
  • Hiệp định song phương – đa phương ký giữa Việt Nam và nước mà nhà đầu tư có quốc tịch;
  • Luật chuyên ngành của Việt Nam.

II. Thủ tục thực hiện việc góp vốn

Trên thực tế, khi Nhà đầu tư góp vốn vào tổ chức kinh tế sẽ có hai trường hợp xảy ra:

  • Trường hợp 1: Nhà đầu tư góp vốn vào tổ chức kinh tế để thực hiện kinh doanh các ngành nghề không thuộc ngành nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài và việc góp vốn không làm Nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế được quy định Khoản 1 Điều 23 của Luật Đầu tư 2014 nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp. Trong trường hợp này Nhà đầu tư sẽ không phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn theo luật đầu tư mà chỉ thực hiện giao dịch góp vốn, chuyển nhượng và sau đó là thay đổi thông tin doanh nghiệp.
  • Trường hợp 2: Nhà đầu tư góp vốn vào tổ chức kinh tế để thực hiện kinh doanh các ngành nghề thuộc ngành nghề đầu tư có điều kiện đối với người nước ngoài và việc góp vốn dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật đầu tư 2014 nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế. Khi đó, Nhà đầu tư phải tiến hành thủ tục đăng ký góp vốn theo quy định tại Điều 26 Luật Đầu tư 2014 và sau đó là thực hiện giao dịch góp vốn, chuyển nhượng trên cơ sở pháp luật doanh nghiệp, pháp luật dân sự và thực hiện đăng ký thay đổi thông tin doanh nghiệp.

Trình tự thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn bao gồm:

Bước 1: Thực hiện đăng ký góp vốn tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở.

  • Thành phần hồ sơ:
  • Văn bản đăng ký góp vốn;
  • Bản sao y công chứng của CMND hoặc Thẻ căn hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy phép kinh doanh hoặc tài liệu tương đương khác.
  • Thời hạn xử lý: 15 ngày kể từ ngày nhận đẩy đủ hồ sơ hợp lệ.

Bước 2: Thực hiện thay đổi thông tin vốn, thành viên/cổ đông (Điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp)

  • Thành phần hồ sơ: theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014 đối với từng loại hình doanh nghiệp.
  • Thời hạn xử lý: 03-05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

III. Một số lưu ý đối với Nhà đầu tư nước ngoài

Sau khi đã thực hiện việc góp vốn vào tổ chức kinh tế, đặc biệt là tổ chức kinh tế mà ban đầu thuần vốn Việt Nam, Nhà đầu tư cần lưu ý rằng tại thời điểm hiện tại, tổ chức kinh tế đó đã trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, doanh nghiệp đó sẽ:

1. Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp

  • Theo quy định của Thông tư 06/2019/TT-NHNN, tổ chức kinh tế nhận góp vốn mà dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên theo điểm b Khoản 2, Điều 3 Thông tư này bắt buộc phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp (DICA) tại Việt Nam để Nhà đầu tư thực hiện chuyển tiền vào Việt Nam để góp vốn. Cần lưu ý rằng việc góp vốn và chứng minh phần vốn góp phải được thực hiện sau khi có chấp thuận góp vốn (Bước 1) và trước khi tiến hành Bước 2 – thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

2. Về vấn đề thuế

  • Chịu sự quản lý của Cục thuế tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp có trụ sở chính;
  • Chế độ kế toán theo hệ thống kế toán Việt Nam;
  • Phải lập các báo cáo thống kê theo quy định;
  • Báo cáo tài chính hàng năm bắt buộc phải được kiểm toán bởi công ty kiểm toán.

3. Về nhân sự

  • Phải xin giấy phép lao động ở Sở Lao Động TBXH, Visa, hoặc thẻ tạm trú cho nhà đầu tư nước ngoài đối với trường hợp nhà đầu tư cư trú tại Việt Nam;
  • Đăng ký thuế, tính nộp thuế TNCN đối với trường hợp doanh nghiệp có trả lương cho nhà đầu tư;
  • Khai báo tham gia Bảo hiểm sẽ đăng ký thêm mã đơn vị riêng và khi thanh toán tiền bảo hiểm cũng thanh toán riêng mã đơn vị cho người nước ngoài.

 

GLaw là công ty luật chuyên tư vấn pháp lý cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, chúng tôi có cung câp các dịch vụ: Thành lập công ty vốn nước ngoàiĐiều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Để được luật sư tư vấn miễn phí vui lòng đặt lịch hẹn tại hotline: 0945.929.727 hoặc qua email: info@glawvn.com