Thủ tục cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN CƠ SỞ ĐỦ ĐIỀU KIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM

 

Với tình hình dịch bệnh hoành hành, biến đổi khôn lường như hiện nay, con người ngày càng đề cao các vấn đề về sức khỏe và quan tâm chú trọng hơn về chất lượng của thực phẩm. Thực phẩm là nhu cầu thiết yếu đối với con người và vấn đề kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề nhức nhối hiện nay.

Vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ đơn giản là chất lượng của nguồn thực phẩm mà cũng bao gồm một số thói quen, thao tác trong khâu chế biến tại cơ sở kinh doanh. Chính vì thế, hiểu rõ được sự cần thiết của việc kiểm tra và giám sát các cơ sở kinh doanh về thực phẩm, từ lâu pháp Luật Việt Nam đã quy định rõ các điều kiện đối với ngành nghề kinh doanh thực phẩm. Cụ thể là các cá nhân, tồ chức kinh doanh về các hàng hóa, sản phẩm về thực phẩm cấn phải tiến hành các thủ tục về Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Vì thế, các cá nhân, tổ chức kinh doanh về ngành nghề kinh doanh thực phẩm cần phải nắm rõ các điều kiện, thủ tục mà một cơ sở kinh doanh thực phẩm cần phải thực hiện để tránh các vi phạm khi thanh tra, dẫn đến việc bị phạt hành chính và có thể bị cấm kinh doanh.

I. Các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

  • Doanh nghiệp có nhu cầu Xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn vệ sinh thực phẩm cần phải đăng ký kinh doanh có ngành nghề tương ứng theo đúng quy định của pháp luật.

  • Cơ sở kinh doanh cần phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phù hợp với mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm.(Ví dụ: Nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, dụng cụ chế biến phải đảm bảo an toàn, sạch sẽ, cách bố trí cơ sở thông thoáng, có khoảng cách cố định cho từng khu vực chế biến đến khu vực để thành phẩm, lưu trữ thực phẩm,…).

II. Các đối tượng cần có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Tương ứng với từng lĩnh vực kinh doanh, các đối tượng cần phải tiến hành thủ tục Xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được quy định cụ thể trong các phụ lục kèm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về cấp Giấy chứng nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Cụ thể:

1. Đối tượng thuộc lĩnh vực Y tế:

Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nhóm thực phẩm:

  • Nước uống đóng chai, nước khoáng, đá thực phẩm (nước đá sử dụng liền và nước đá dùng cho chế biến thực phẩm) (Trừ nước đá sử dụng để bảo quản, chế biến sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn);
  • Thực phẩm chức năng;
  • Các vi chất bổ sung vào thực phẩm;
  • Phụ gia thực phẩm, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm;
  • Các sản phẩm khác không được quy định cụ thể tại danh mục của Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
  • Kinh doanh dịch vụ ăn uống (bao gồm: cửa hàng; quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín; nhà hàng ăn uống; căng tin; cơ sở chế biến suất ăn sẵn; bếp ăn tập thể).

2. Đối tượng thuộc lĩnh vực Công Thương:

Các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại bia, rượu, nước có ga, sữa chế biến, dầu thực vật, bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo. Cơ sở buôn bán, bán lẻ thực phẩm.

3. Đối tượng thuộc lĩnh vực Nông nghiệp:

Các cơ sở sản xuất, xử lý, chế biến, kinh doanh các mặt hàng, sản phẩm nông lâm thủy hải sản: Ngũ cốc, thịt và các sản phẩm liên quan đến thịt, thủy sản và sản phẩm nguyên liệu từ thủy sản, rau, củ, quả, trứng và các sản phẩm từ trứng, sữa tươi, mật ong và các sản phẩm liên quan đến mật ong, thực phẩm biến đổi ghen, gia vị như muối, đường, cà phê, ca cao, chè, hạt tiêu, điều, nông sản, thực phẩm khác.

III. Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm:

Tùy vào nhu cầu của mỗi doanh nghiệp về các sản phẩm kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh mà thủ tục để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cũng có phần khác nhau về thời gian thực hiện và chi phí thẩm định.

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Thành phần hồ sơ:

  • Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có ngành nghề phù hợp với loại thực phẩm của cơ sở sản xuất;
  • Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh hay đối với cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh;
  • Danh sách tổng hợp đủ sức khỏe do của chủ cơ sở xác nhận hoặc giấy xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;
  • Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm có xác nhận của chủ cơ sở.

Lưu ý: Đối với Giấy xác nhận Kiến thức an toàn thực phẩm:

  • Các tổ chức kinh doanh các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm; hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn thì cần phải tiến hành thủ tục Cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho từng cá nhân tại cơ quan có thẩm quyền;
  • Các tổ chức kinh doanh các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm; hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế và Bộ Công thương thì chỉ cần Giấy xác nhận Kiến thức an toàn thực phẩm có xác nhận từ chủ sở hữu cơ sở.

Bước 2: Nộp trực tiếp Ban Quản lý An toàn Thực phẩm tỉnh, thành phố nơi cơ sở sản xuất, kinh doanh đặt trụ sở hoặc cơ quan có thẩm quyền tương ứng đối với các lĩnh vực kinh doanh.

Bước 3: Thẩm định cơ sở và lập Biên bản thẩm định

1. Lĩnh vực Y tế:

Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tổ chức kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ;

Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tổ chức thẩm định cơ sở.

2. Lĩnh vực Công thương:

Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tổ chức kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ;

Trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả kiểm tra hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tổ chức thẩm định thực tế tại cơ sở.

3. Lĩnh vực Nông nghiệp:

Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tổ chức kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ;

Trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả kiểm tra hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tổ chức thẩm định thực tế tại cơ sở.

Bước 4: Nhận kết quả trong thời gian 05 ngày làm việc nếu kết quả thẩm định đạt yêu cầu (Giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm).

IV. Lệ phí thẩm định:

1. Lĩnh vực Y tế:

  • Phí thẩm định cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống:
    • Phục vụ dưới 200 suất ăn: 700.000 đồng/ lần/cơ sở;
    • Phục vụ từ 200 suất ăn trở lên: 1.000.000 đồng/ lần/cơ sở.
  • Phí thẩm định cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm:
    • Cơ sở sản xuất thực phẩm: 2.500.000 đồng/01lần/cơ sở;
    • Cơ sở sản xuất nhỏ lẻ: 500.000 đồng/01 lần/ cơ sở.

2. Lĩnh vực Công thương:

  • Phí thẩm định cơ sở kinh doanh thực phẩm: 1.000.000 đồng/01 lần/ cơ sở;
  • Phí thẩm định cơ sở sản xuất thực phẩm (trừ cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe): 2.500.000 đồng/lần/cơ sở.

3. Lĩnh vực Nông nghiệp:

 Phí thẩm định cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm: 700.000 đồng/ 1 lần/ cơ sở.

V. Thời hạn Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

  • Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có hiệu lực trong thời gian 03 năm;
  • Trước thời hạn 06 tháng, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống phải nộp hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp tiếp tục kinh doanh.

 

GLaw là công ty luật chuyên tư vấn tất cả các vấn đề pháp lý cho cá nhân và tổ chức đang định thành lập công ty Việt Nam, chúng tôi cung cấp các Dịch vụ về các loại Giấy phép con.

Để biết thêm chi tiết về dịch vụ của GLaw Việt Nam, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số hotline: 0945 929 727 hoặc email: info@glawvn.com.