So sánh chứng nhận hợp quy và chứng nhận hợp chuẩn

SO SÁNH CHỨNG NHẬN HỢP QUY VÀ CHỨNG NHẬN HỢP CHUẨN

 

Với thị trường mở trong nền kinh tế hiện nay, một sản phẩm có thể do một hoặc nhiều nhà sản xuất tiến hành sản xuất. Để thu hút người dùng, tăng tính cạnh tranh và khẳng định chất lượng các nhà sản xuất thường mong muốn sản phẩm bên mình do tổ chức thứ 3 đánh giá.

Chứng nhận hợp quy và chứng nhận hợp chuẩn là hai khái niệm thường gặp khi tìm hiểu về việc đánh giá chất lượng. Thực tiễn, chúng ta vẫn thường hay nghe thấy các vấn đề như: công bố hợp quy hay hợp chuẩn về lĩnh vực môi trường, công bố hợp quy hay hợp chuẩn về lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm,…

Tuy nhiên, cũng có nhiều tổ chức, cá nhân chưa phân biệt được sản phẩm, hàng hóa của mình sản xuất thuộc nhóm nào để đánh giá và công bố hợp quy hay hợp chuẩn.

I. Điểm giống nhau:

  • Đều là cách thức để đánh giá về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa trước khi lưu thông trên thị trường hay sản phẩm nhập khẩu phục vụ sản xuất.
  • Giống nhau về phương thức đánh giá
  • Có hồ sơ về công bố giống nhau (được quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012).
  • Trình tự chứng nhận giống nhau gồm các bước
    • Lấy mẫu thử nghiệm
    • Đánh giá quá trình sản xuất/ hồ sơ nhập khẩu
    • Cấp giấy chứng nhận phù hợp.

II. Điểm khác nhau:

1. Khái niệm

a. Chứng nhận hợp quy là gì?

Là chứng nhận sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn quốc gia.

b. Chứng nhận hợp chuẩn là gì?

Là chứng nhận sản phẩm phù hợp với các tiêu chuẩn như: tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn nước ngoài (EN, ASTM,…)

2. Phạm vi áp dụng

a. Chứng nhận hợp quy:

Mang tính chất bắt buộc theo quy định của các Bộ chủ quản quản lý. Chỉ áp dụng cho các hàng hóa, sản phẩm nhóm 2 (là sản phẩm, hàng hóa trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường)

b. Chứng nhận hợp chuẩn:

Mang tính chất tự nguyện (trừ một số trường hợp sản phẩm hàng hóa có quy định riêng) theo yêu cầu của nhà sản xuất. Được áp dụng cho sản phẩm nhóm 1 (sản phẩm không có khả năng gây mất an toàn trong quá trình bảo quản, vận chuyển, sử dụng)

3. Trình tự công bố:

a. Chứng nhận hợp quy:

* Bước 1: Đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa cần chứng nhận hợp quy với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

  • Việc đánh giá chứng nhận hợp quy được thực hiện theo phương thức đánh giá sự phù hợp quy định trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Có thể do tổ chức, cá nhân công bố hợp quy (bên thứ nhất) hoặc tổ chức chứng nhận được chỉ định (bên thứ ba) thực hiện.
  • Trường hợp sử dụng kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài thì tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài phải được thừa nhận theo quy định của pháp luật hoặc được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chỉ định
  • Tổ chức, cá nhân công bố hợp quy căn cứ trên kết quả để đánh giá.

* Bước 2: Đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan chuyên ngành do Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Ủy ban nhân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ định.

b. Chứng nhận hợp chuẩn:

* Bước 1: Đánh giá sự phù hợp đối tượng của công bố hợp chuẩn với tiêu chuẩn tương ứng.

Việc đánh giá hợp chuẩn do tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn (bên thứ nhất) hoặc do tổ chức chứng nhận đã đăng ký (bên thứ ba) thực hiện theo phương thức đánh giá sự phù hợp quy định tại khoản 1 Điều 6 của Thông tư này.

Cá nhân, tổ chức công bố hợp chuẩn dựa trên kết quả đánh giá hợp chuẩn quy định tại điểm a khoản 1.

* Bước 2: Đăng ký hồ sơ công bố hợp chuẩn tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức, cá nhân sản xuất đăng ký doanh nghiệp hoặc đăng ký hộ kinh doanh.

4. Năng lực của phòng thử nghiệm và đơn vị chứng nhận

a. Chứng nhận hợp quy:

Bắt buộc phải được chỉ định đủ năng lực chứng nhận sản phẩm phù hợp Quy chuẩn và phòng thử nghiệm cũng phải được chỉ định.

b. Chứng nhận hợp chuẩn:

Không có yêu cầu bắt buộc

5. Nơi tiếp nhận hồ sơ công bố:

a. Chứng nhận hợp quy:

Các cá nhân, tổ chức hoàn chỉnh hồ sơ nộp tại cơ quan chuyên ngành (các Sở chuyên ngành) nếu đầy đủ hồ sơ, đơn vị này sẽ chấp nhận và Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy cho tổ chức, cá nhân công bố hợp quy. Dấu hợp quy (CR) bắt buộc sử dụng trên sản phầm, hàng hóa đã được chứng nhận phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật.

Đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan chuyên ngành do Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Ủy ban nhân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ định.

b. Chứng nhận hợp chuẩn:

Các tổ chức cá nhân hoàn chỉnh hồ sơ nộp tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp tỉnh. Nếu đạt chỉ tiêu về hồ sơ, đơn vị này sẽ chấp nhận và Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp chuẩn cho tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn. Dấu hợp chuẩn không cần bắt buộc.

6. Hiệu lực thi hành:

a. Chứng nhận hợp quy:

Quy chuẩn kỹ thuật có hiệu lực thi hành nhanh nhất là sau 6 tháng kể từ ngày ban hành. Hiệu lực thi hành quy chuẩn kỹ thuật có thể sớm hơn theo quyết định của cơ quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật trừ trường hợp cấp thiết liên quan đến sức khỏe, an toàn, môi trường.

b. Chứng nhận hợp chuẩn:

Tùy từng cơ quan, tổ chức chọn áp dụng tiêu chuẩn hay không thì hiệu lực thi hành sẽ do tổ chức, cơ quan đó tự quyết định.

Hoạt động chứng nhận sản phẩm, hàng hóa đã trở thành công cụ tiếp thị hữu hiệu cho nhà sản xuất, những sản phẩm có chứng nhận sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn so với những sản phẩm tương tự khi chưa có chứng nhận. Ngoài ra, đây cũng là cơ sở giúp nhà sản xuất ổn định chất lượng, kiểm soát cải tiến năng xuất nhằm sự lãng phí và tỷ lệ phế phẩm.

 

Hy vọng với những chia sẻ trên đây đã giúp bạn đọc phân biệt được 2 loại chứng nhận hiện hành là chứng nhận hợp quy và chứng nhận hợp chuẩn. Ngoài ra, công ty Luật Glaw Vietnam chuyên tư vấn thủ tục nhập khẩu phân bón. Các cá nhân hoặc doanh nghiệp đang có nhu cầu nhập khẩu phân bón hoặc muốn tìm hiểu thêm về thủ tục có thể liên hệ Hotline: 0945.929.727 hoặc email: info@glawvn.com.