Quy trình nhập khẩu phân bón DAP

QUY TRÌNH NHẬP KHẨU PHÂN BÓN DAP

I/ PHÂN BÓN DAP LÀ GÌ?

DAP là phân bón có công thức hóa học (NH4)2HPO4, gồm 02 thành phần, đạm và lân. DAP là loại phân trung tính và tất cả lân trong DAP đều tan được trong nước nên cây rất dễ hấp thụ, mang lại hiệu quả cao kể cả khi bón lót hay bón thúc cho tất cả các loại cây trồng trên nhiều loại đất khác nhau.

Hôm nay, GLaw Việt Nam hân hạnh hướng dẫn cho các bạn quy trình nhập khẩu phân bón DAP về Việt Nam.

II/ QUY TRÌNH NHẬP KHẨU DAP

Doanh nghiệp muốn nhập khẩu DAP lần đầu tại Việt Nam có thể thực hiện theo 02 hình thức:

Một là: Xin cấp Giấy phép nhập khẩu.

Hai là: Xin cấp Quyết định công nhận lưu hành phân bón nhập khẩu.

III/ THỦ TỤC CHI TIẾT CỦA TỪNG HÌNH THỨC

a. Xin cấp Giấy phép nhập khẩu

Doanh nghiệp nhập khẩu phân bón DAP chưa được công nhận lưu hành ở Việt Nam có thể xin Giấy phép nhập khẩu khi nhập khẩu với các mục đích sau đây: Nhập khẩu phân bón dùng để khảo nghiệm; Dùng cho sân thể thao khu vui chơi giải trí; Sử dụng trong các dự án nước ngoài tại Việt Nam; Dùng làm quà tặng, hàng mẫu; Dùng để tham gia hội chợ, triển lãm; Phục vụ nghiên cứu khoa học; Làm nguyên liệu để sản xuất phân bón khác hoặc phân bón tạm nhập, tái xuất hoặc phân bón quá cảnh hoặc chuyển khẩu qua cửa khẩu Việt Nam; phân bón gửi kho ngoại quan; phân bón nhập khẩu vào khu chế xuất.

Việc nhập khẩu phân bón thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại, quản lý ngoại thương hoặc theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

  • Hồ sơ cần chuẩn bị
    • Đơn đăng ký nhập khẩu phân bón;
    • Tờ khai kỹ thuật;
    • Văn bản của nhà sản xuất về chỉ tiêu chất lượng, hướng dẫn sử dụng, cảnh báo an toàn và yếu tố hạn chế của phân bón;
    • Giấy xác nhận hoặc Giấy mời tham gia hội chợ, triển lãm tại Việt Nam (trường hợp nhập khẩu phân bón để tham gia hội chợ, triển lãm);
    • Đề cương nghiên cứu về phân bón đề nghị nhập khẩu (trường hợp nhập khẩu phân bón để phục vụ nghiên cứu khoa học);
    • Hợp đồng nhập khẩu, hợp đồng xuất khẩu hoặc hợp đồng gia công với đối tác nước ngoài (trường hợp nhập khẩu phân bón tạm nhập, tái xuất hoặc phân bón quá cảnh hoặc chuyển khẩu qua cửa khẩu Việt Nam; phân bón gửi cho kho ngoại quan; phân bón nhập khẩu vào khu chế xuất);
    • Giấy chứng nhận lưu hành tự do (Certificate of Free Sale – CFS) do nước xuất khẩu cấp;
    • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân.
  • Thẩm quyền cấp: Cục Bảo vệ thực vật – (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
  • Thời hạn cấp phép: 15 ngày làm việc kể từ ngày hồ sơ hợp lệ.
  • Kết quả thực hiện: Giấy phép nhập khẩu phân bón, thời hạn của Giấy phép là 01 năm. Giấy phép này không được gia hạn, hết thời hạn giấy phép theo quy định, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục tương tự để xin cấp mới Giấy phép nhập khẩu.

b. Xin cấp Quyết định công nhận lưu hành ở Việt Nam 

+ Doanh nghiệp nhập khẩu phân bón chưa được công nhận lưu hành tại Việt Nam, không thuộc trường hợp phải xin cấp Giấy phép nhập khẩu phân bón thì phải xin cấp Quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam.

+ Doanh nghiệp được cấp Quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam được nhập khẩu hoặc ủy quyền nhập khẩu phân bón trong Quyết định và không cần xin Giấy phép nhập khẩu phân bón.

+ DAP là phân bón vô cơ phức hợp thuộc trường hợp không phải thực hiện khảo nghiệm. Do đó, doanh nghiệp nhập khẩu phân bón DAP có thể trực tiếp thực hiện xin Quyết định công nhận lưu hành.

  • Hồ sơ cần chuẩn bị
    • Đơn đề nghị cấp Quyết định công nhận lưu hành;
    • Bản thông tin chung về phân bón có xác nhận của nhà sản xuất bao gồm: loại phân bón, dạng phân bón, hướng dẫn sử dụng, phương thức sử dụng, thời hạn sử dụng, cảnh báo an toàn, chỉ tiêu chất lượng và hàm lượng yếu tố hạn chế của phân bón;
    • Phiếu kiểm nghiệm phân bón;
    • Giấy chứng nhận lưu hành tự do (Certificate of Free Sale – CFS) do nước xuất khẩu cấp;
    • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân.
  • Thẩm quyền cấp: Cục Bảo vệ thực vật – (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
  • Thời gian thực hiện: 60 – 90 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
  • Kết quả thực hiện: Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, thời hạn của Quyết định là 05 năm. Trước khi hết thời gian lưu hành 03 tháng, tổ chức cá nhân có nhu cầu gia hạn phải thực hiện thủ tục gia hạn.

* Lưu ý: Theo quy định tại Điều 42, Luật trồng trọt 2018 có hiệu lực thi hành 01/01/2020, tất cả các cơ sở kinh doanh phân bón gồm đại lý phân bón, cửa hàng phân bón phải có chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón trước khi buôn bán phân bón. Theo đó, các tổ chức, cá nhân có hoạt động buôn bán phân bón phải có Giấy phép kinh doanh phân bón

 

Ngoài ra, công ty Luật Glaw Vietnam chuyên tư vấn thủ tục nhập khẩu phân bón. Các cá nhân hoặc doanh nghiệp đang có nhu cầu nhập khẩu phân bón hoặc muốn tìm hiểu thêm về thủ tục có thể liên hệ Hotline: 0945.929.727 hoặc email: info@glawvn.com.