Nông nghiệp hữu cơ có giống nông nghiệp sạch?

NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ CÓ GIỐNG NÔNG NGHIỆP SẠCH?

 

Hiện nay, người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm chất lượng, độ an toàn của sản phẩm trước tình trạng thực phẩm bẩn, không an toàn đang tràn lan trên thị trường. Có hai nhóm sản phẩm được lưu hành dưới tên thực phẩm hữu cơ, thực phẩm sạch chúng có điểm gì khác nhau hay có phải là một không.

Nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch nhìn chung đều là các sản phẩm sạch và an toàn nhưng khác nhau ở phương pháp canh tác, sản xuất.

1. Nông nghiệp hữu cơ là gì?

Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống sản xuất không sử dụng hay loại trừ các chất hóa học tổng hợp và vật liệu biến đổi gen trong các vật tư đầu vào, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác, chỉ được sử dụng các nguồn hiện có trong nông trại và các vật tư theo tiêu chuẩn của quy trình sản xuất.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ yêu cầu không được sử dụng 5 nguồn vật liệu đầu vào cho sản xuất gồm:

  • Phân bón hóa học
  • Hóa chất bảo vệ thực vật
  • Sản phẩm đột biến gen
  • Phân bắc
  • Chất kích thích tăng trưởng

2. Các nguyên tắc cơ bản của nông nghiệp hữu cơ:

* Thứ nhất: Làm phong phú hệ sinh thái nông nghiệp.

  • Đất đai là yếu tố quan trọng trong canh tác nông nghiệp hữu cơ. Việc tăng tính đa dạng sinh học và cải thiện đất bằng các vật liệu hữu cơ giúp cho đất màu mỡ hơn, cây trồng có thể hấp thụ chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối, chống lại sâu bệnh hại để không phải sử dụng thuốc trừ sâu.
  • Luân canh, xen canh cây trồng, trồng cây to hoặc cung cấp những diện tích tự nhiên xung quanh trang trại, phạm vi sản xuất là những cách để đa dạng tính sinh học.

* Thứ hai: Bảo toàn hệ sinh thái trong trang trại, khu vực sản xuất.

  • Có các dạng ô nhiễm bắt nguồn từ việc sử dụng hóa chất trong nông nghiệp như: Làm nghèo chất dinh dưỡng của đất, tăng độ mặn, xói mòn, vón chặt đất,…
  • Vậy nên, để bảo toàn sinh thái thì việc không sử dụng hóa chất trong sản xuất, đặc biệt là phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu là rất cần thiết. Ngoài ra, còn phải bảo tồn các loài thực vật địa phương đang có trong rừng.

* Thứ ba: Phòng chống ô nhiễm bởi tác động bên ngoài.

  • Có thể ngăn sự ô nhiễm từ bên ngoài bằng các cách như: xây dựng hệ thống xử lý rác thải nhà bếp, nước cống trước khi thải ra ngoài trại sản xuất. Ngoài ra, những vật liệu có nguy cơ bị nhiễm bẩn cũng bị cấm làm đồ dùng đựng các sản phẩm hữu cơ.

* Thứ tư: Tự sản xuất nguyên liệu sản xuất đầu vào

  • Các nguyên liệu sản xuất đầu vào như: hạt giống, phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học,… người nông dân nên tự làm nếu có thể. Trong trường hợp không thể tự cung, nông dân nên mua những nguyên vật liệu này có sẵn trong khu vực địa phương.

* Thứ năm: Tiến hành theo chu trình tự nhiên.

  • Chu trình dinh dưỡng (đặc biệt là chu trình đạm và cacbon)
  • Chu trình thủy phân
  • Điều kiện khí hậu, ánh sáng
  • Mối quan hệ sinh thái, tính cân bằng (trong cộng đồng và chuỗi thức ăn)

3. Nông nghiệp sạch là gì?

Khác với nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch vẫn cho phép người nông dân sử dụng tất cả các loại giống, dù là giống chuyển đồi gen vẫn có thể dùng được. Bên cạnh đó, vẫn được dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học, thuốc diệt cỏ hóa học nhưng phải trong mức độ nhất định. Để khi kiểm tra thì phải đạt tiêu chuẩn sản phẩm sạch.

* Tiêu chuẩn nào để đánh giá thực phẩm sạch?

  • Mức độ tồn dư của hóa chất không vượt ngưỡng cho phép, không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.
  • Không gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất

Nếu các thông số vượt ngưỡng chỉ tiêu chất lượng thì chúng không được xem là sản phẩm sạch. Tiêu chuẩn còn tùy thuộc vào từng khu vực, từng quốc gia mà khác nhau hay dựa theo quy định chung trên thế giới để đánh giá.

* Người canh tác cần làm gì để đảm bảo đạt điều kiện thực phẩm sạch?

  • Cần điều chỉnh lượng phân bón, thuốc trừ sâu, nguồn nước sử dụng phải đảm bảo cho tiêu chuẩn của từng khách hàng. Đánh giá sản phẩm dựa trên các tiêu chuẩn như VietGAP, AseanGAP, GlobalGAP. Quy trình sản xuất sạch sẽ giúp sản phẩm dễ tiêu thụ trong nước và tăng cơ hội xuất khẩu.
  • Tùy vào loại hình sản xuất trồng trọt mà người canh tác cần phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn để được phép tiêu thụ. Nông dân nên thay đổi thói quen, giảm thiểu dần lượng phân bón sử dụng, đặc biệt là phân đạm nếu muốn đạt tiêu chuẩn các chất dinh dưỡng trong phạm vi cho phép.
  • Thực tế, để sản xuất sạch theo tiêu chuẩn GAP cũng không phải đơn giản. Ví dụ GlobalGAP gồm có 12 nội dung chính trong đó có 68 chỉ tiêu người SX phải tuân thủ:
    • Dễ dàng truy tìm nguồn gốc xuất xứ.
    • Không lạm dụng sức lao động của người dân trong môi trường sản xuất
    • Kỹ thuật sản xuất phải đạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt.
    • Không gây ô nhiễm vật lý, nhiễm khuẩn hóa chất trong quá trình thu hoạch.

Với những chia sẻ ở bài viết trên, hy vọng thông tin này bổ ích cho bạn đọc giúp phân biệt được nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch.

Ngoài ra, công ty Luật Glaw Vietnam chuyên tư vấn thủ tục nhập khẩu phân bón. Các cá nhân hoặc doanh nghiệp đang có nhu cầu nhập khẩu phân bón hoặc muốn tìm hiểu thêm về thủ tục có thể liên hệ Hotline: 0945.929.727 hoặc email: info@glawvn.com