Muốn ly hôn nhanh: Ly hôn thuận tình hay ly hôn đơn phương

MUỐN LY HÔN NHANH THÌ NÊN CHỌN THỦ TỤC ĐƠN PHƯƠNG LY HÔN HAY THUẬN TÌNH LY HÔN

 

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Ly hôn hiện nay được thực hiện theo 2 thủ tục: Thủ tục thuận tình ly hôn và thủ tục đơn phương ly hôn.

Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì thì thực hiện theo thủ tục thuận tình ly hôn.

Trường hợp không thoả thuận được, hoặc một bên yêu cầu ly hôn hoặc một bên bị Toà án tuyên bố mất tích thì thực hiện thủ tục ly hôn theo yêu cầu của một bên hay còn gọi là đơn phương ly hôn.

Trình tự, thủ tục ly hôn được quy định cụ thể tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

  • Đối với đơn phương ly hôn thì theo thủ tục yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp. Thời gian giải quyết từ 4 – 6 tháng (tại cấp sơ thẩm). Bản án không có hiệu lực ngay mà đương sự vẫn có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày lên cấp phúc thẩm, thời gian giải quyết từ 4 – 6 tháng;
  • Đối với thuận tình ly hôn thì theo thủ tục yêu cầu Toà án công nhận thuận tình ly hôn: Khoảng 01 tháng. Quyết định công nhận thuận tình ly hôn có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành. Không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Nhìn chung, ly hôn theo thủ tục thuận tình ly hôn thì đơn giản và thời gian nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể áp dụng được. Việc chọn ly hôn theo thủ tục nào phụ thuộc nhiều vào tình trạng hôn nhân của hai bên. Đối với những vụ việc về ly hôn thông thường mối quan hệ của hai bên sẽ có những bất đồng, mâu thuẫn rất khó đi đến thoả thuận được các vấn đề về tài sản, về con chung. Nếu cố gắng thoả thuận chỉ kéo dài thêm thời gian của các bên hơn so với việc chọn đưa tranh chấp ra Toà án để Toà án giải quyết. Ngoài ra, đối với mỗi thủ tục đều có những điều kiện phải đáp ứng nhất định. Vì vậy, việc lựa chọn giải quyết theo thủ tục nào thông thường phải được xem xét trên tình trạng hôn nhân thực tế đối chiếu với các quy định của pháp luật. Để tránh áp dụng sai thủ tục và kéo dài thời gian, đương sự nên lựa chọn luật sư tư vấn và hướng dẫn để thực hiện.

Cơ sở pháp lý:

  • Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;
  • Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

 

TẢI ĐƠN LY HÔN

Cảm ơn bạn, hãy chia sẻ thông tin của bạn và tải Đơn ly hôn thuận tình + Đơn ly hôn đơn phương.






     

    ĐIỀU KIỆN ĐỂ TOÀ ÁN GIẢI QUYẾT CHO LY HÔN 

    Trên thực tế, không phải tất cả các đơn khởi kiện hay yêu cầu Toà án giải quyết cho ly hôn đều được Toà án giải quyết cho ly hôn. Nhiều cặp vợ chồng mặc dù hôn nhân đã không còn tồn tại, mâu thuẫn đỉnh điểm nhưng đôi lúc ra Toà vẫn không được giải quyết cho ly hôn vì lý do chưa cung cấp đủ các chứng cứ để chứng minh đáp ứng điều kiện được ly hôn theo luật định.

    Điều kiện để Toà án giải quyết cho ly hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình hiện hành: “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.

    Điều kiện này được hiểu là:

    • Đã có một bên yêu cầu ly hôn mà hoà giải tại Toà án không thành;
    • Có căn cứ chứng minh vợ/chồng có hành vi:
    • Bạo lực gia đình;
    • Vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ/chồng.
    • Làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.

    Hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn bạo lực gia đình, vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ/chồng với mức độ như thế nào được xem là dẫn đến hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Từ thực tiễn xét xử và vận dụng hướng dẫn tại Nghị quyết số: 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, theo chúng tôi, căn cứ vào những dấu hiệu của điều kiện cần, mức độ tình trạng mâu thuẫn sau đây được coi là làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được, cụ thể:

    • Hành vi bạo lực gia đình mang tính chất thường xuyên, lặp đi lặp lại nhiều lần đã được vợ hoặc chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải hoặc cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp cách ly, cấm tiếp xúc nhưng bỏ mặc, không khắc phục hoặc vẫn tiếp tục hành vi bạo lực.
    • Hành vi bạo lực gia đình mang tính chất thường xuyên hoặc không thường xuyên nhưng gây ra hậu quả thương tích hoặc làm cho nạn nhân bị tổn hại sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc làm cho nạn nhân tìm cách tự sát hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc cơ quan điều tra kết luận có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc hậu quả khác làm cho nạn nhân lâm vào tình trạng không có nơi ở, cuộc sống khó khăn, túng thiếu, phụ thuộc về vật chất, tinh thần.
    • Vi phạm quyền và nghĩa vụ về nhân thân như ngoại tình, chung sống như vợ chồng với người khác đã được vợ, chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức góp ý, nhắc nhở, khuyên bảo, hoà giải nhưng không khắc phục hoặc vẫn tiếp tục lặp đi lặp lại hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc cơ quan điều tra kết luận có dấu hiệu tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc sau khi bị xử lý về hành vi ngoại tình thì bỏ đi khỏi nơi cư trú, không có trách nhiệm với gia đình.
    • Vi phạm quyền và nghĩa vụ về nhân thân như không chung sống với nhau một thời gian dài mà không có lý do chính đáng, chung sống với nhau không có tình nghĩa vợ chồng, không quan tâm đến cuộc sống chung, cản trở việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được vợ, chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức góp ý, nhắc nhở, khuyên bảo, hoà giải nhưng không khắc phục hoặc vẫn tiếp tục vi phạm.
    • Vi phạm quy định về đại diện giữa vợ, chồng và chế độ tài sản của vợ, chồng được coi là trầm trọng như việc tự ý xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch, từ chối đứng ra làm đại diện cho bên kia mà không có lý do chính đáng, không bình đẳng trong tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung, tự ý đưa tài sản chung vào kinh doanh hoặc có tài sản nhưng không đóng góp để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình, cản trở việc vợ hoặc chồng đứng tên đăng ký tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung thuộc trường hợp phải đăng ký… gây thất thoát, thiệt hại đến tài sản, ảnh hưởng đến thực hiện quyền và nghĩa vụ chung, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền sở hữu tài sản của bên kia, làm phát sinh nghĩa vụ về tài sản, hợp đồng làm cho vợ, chồng, gia đình lâm vào cảnh khó khăn, nhu cầu thiết yếu của gia đình không bảo đảm… đã tìm cách khắc phục, hạn chế nhưng không có hiệu quả.

     

    Vì vậy, để đảm bảo yêu cầu ly hôn có đủ cơ sở, cần thiết đương sự phải thu thập, chuẩn bị đầy đủ các chứng cứ để chứng minh đáp ứng điều kiện luật định như trên.

     

    CÓ NÊN LY THÂN TRƯỚC KHI QUYẾT ĐỊNH LY HÔN 

    Ly thân không phải là một thuật ngữ pháp lý và hiện nay cũng không được quy định trong luật. Ly thân được hiểu là tình trạng quan hệ mà vợ chồng không còn sinh hoạt, sống chung với nhau. Ly thân trước khi ly hôn là thường được đưa ra theo thoả thuận của các bên chứ chưa được pháp luật công nhận, vì vậy trong thời gian ly thân quan hệ vợ chồng vẫn hợp pháp và vẫn tồn tại quyền hạn và trách nhiệm chung đối với quan hệ vợ chồng, tài sản, con cái.

    Rất nhiều cặp vợ chồng xảy ra mâu thuẫn không thể giải quyết được thường chọn giải pháp ly thân, với mong muốn cho nhau thời gian và không gian để suy nghĩ kĩ hơn việc ly hôn.

    Vậy có cần thiết phải ly thân trước khi quyết định ly hôn hay không? Việc này tuỳ thuộc vào tình trạng hôn nhân của mỗi người.

    Pháp luật hiện hành có quy định điều kiện để được ly hôn: ““Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”. Tuy nhiên, không phải mọi quan hệ hôn nhân đều có bạo hành, có vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ/chồng, đối với những trường hợp không có các dấu hiệu trên thì rất khó để Toà án giải quyết cho ly hôn, vì vậy việc ly thân cũng là một trong những cơ sở để xem xét cho ly hôn.

     

    CÁC BƯỚC CẦN TIẾN HÀNH ĐỂ LY HÔN 

    1. Xác định tình trạng hôn nhân

    Các vấn đề cần phải xác định:

    • Vợ/chồng có bạo lực gia đình không?
    • Có vi phạm quyền và nghĩa vụ của vợ/chồng?
    • Có đồng thuận về việc ly hôn, các vấn đề tài sản chung, con chung?
    • Các chứng cứ chứng minh (tài liệu, video, ghi âm, người làm chứng…)

    Mục đích của việc xác định các vấn đề nêu trên để lựa chọn thủ tục ly hôn phù hợp, là ly hôn thuận tình hay là ly hôn đơn phương.

    1. Tiến hành hoà giải ở cơ sở

    Mặc dù, theo quy định hiện hành chỉ khuyến khích hoà giải ở cơ sở, tuy nhiên đương sự nên tiến hành việc hoà giải ở cơ sở (xã, phường, thị trấn) trước, và có lập biên bản hoà giải thành/hoà giải không thành để làm bằng chứng phục vụ cho việc khởi kiện ra Toà sau này.

    1. Lựa chọn luật sư/đơn vị tư vấn luật

    Vụ việc về ly hôn thường chứa đựng các mâu thuẫn mà bản thân các bên trong quan hệ hôn nhân không đủ bình tĩnh và sáng suốt để giải quyết. Đặc biệt, đối với những vụ án phức tạp liên quan đến tranh chấp tài sản chung và con chung thì việc thua kiện sẽ dẫn đến mất quyền sở hữu tài sản cũng như không có quyền nuôi con. Vì vậy, cần thiết để lựa chọn một công ty luật/luật sư tham gia để tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các bên tiến hành các thủ tục cần thiết, thu thập tài liệu chứng cứ nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí, đảm bảo tính hiệu quả