Một số lưu ý khi soạn thảo thỏa thuận liên doanh

MỘT SỐ LƯU Ý KHI SOẠN THẢO THỎA THUẬN LIÊN DOANH

Thỏa thuận liên doanh là gì ?

Thỏa thuận liên doanh là thỏa thuận mà trong đó các bên tham gia ký kết thỏa thuận sẽ thỏa thuận về việc hợp tác kinh doanh dưới hình thức thành lập một pháp nhân hoàn toàn mới nhằm thực hiện một dự án, phương án kinh doanh, cùng nhau quản trị và cùng chia sẻ lợi nhuận, rủi ro.

Việc ký kết Thỏa thuận liên doanh dẫn đến việc thành lập một pháp nhân theo quy định của Luật Doanh nghiệp, vì vậy, nội dung của thỏa thuận cần nêu rõ loại hình doanh nghiệp, lĩnh vực hoạt động, phân chia lợi nhuận, rủi ro, giới hạn quyền và nghĩa vụ của các bên,.… Dưới đây là một số lưu ý khi soạn thảo Thỏa thuận liên doanh mà doanh nghiệp cần lưu ý:

  1. Chủ thể và đại diện ký kết Thỏa thuận liên doanh 

  • Chủ thể tham gia Thỏa thuận liên doanh là bên có quyền đứng tên trong Thỏa thuận và chịu trách nhiệm pháp lý về các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ Thỏa thuận. Chủ thể này có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Chủ thể là cá nhân phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự, chủ thể là tổ chức phải có tư cách pháp nhân và việc ký kết, thực hiện hợp đồng phải phù hợp với phạm vi, lĩnh vực hoạt động đã đăng ký.
  • Đại diện ký kết Thỏa thuận là người thay mặt một bên ký kết Thỏa thuận. Chủ thể này là cá nhân, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và được quyền nhân danh một bên ký kết Thỏa thuận thông qua tư cách đại diện đương nhiên (đại diện theo pháp luật) hoặc đại diện theo ủy quyền.
  1. Nội dung của Thỏa thuận liên doanh

Hiện nay, pháp luật Việt Nam không có quy định riêng về Thỏa thuận liên doanh, vì vậy không có một quy định nào bắt buộc Thỏa thuận liên doanh phải có nội dung và các điều khoản như thế nào. Tuy nhiên, căn cứ theo Bộ Luật dân sự hiện hành thì Thỏa thuận liên doanh được xem như là một giao dịch dân sự và cần tuân thủ điều kiện để có hiệu lực của một giao dịch dân sự.

Nội dung của Thỏa thuận liên doanh sẽ có các điều khoản khung quan trọng như sau :

  • Mục đích của Thỏa thuận: Khi soạn thảo cần nêu rõ mục đích của Thỏa thuận, mục tiêu mà các bên đề ra trong Thỏa thuận liên doanh.

Để thực hiện mục đích này, các bên thỏa thuận thành lập pháp nhân liên doanh. Cơ cấu quản trị, điều hành sẽ được pháp luật điều chỉnh riêng đối với từng loại hình doanh nghiệp và các bên phải tuân thủ theo quy định.

  • Vốn góp và phân chia lợi nhuận: thỏa thuận và cam kết góp vốn của các bên, cần xác định rõ tỷ lệ phần trăm tham gia của các thành viên, phương thức chia sẻ lợi nhuận, rủi ro.
  • Cơ cấu tổ chức quản lý: quy định cơ cấu, nhiệm vụ, quyền hạn của từng bộ phận của tổ chức liên doanh, từ cấp quản lý, quản trị đến cấp điều hành trực tiếp. Cơ quan quản lý phải đảm bảo có sự đồng thuận giữa các thành viên để hoạt động kinh doanh được trơn tru, tránh bị tắc nghẽn hoặc bị chậm lại do các thành viên không thống nhất được với nhau về cách thức hoạt động của tổ chức liên doanh.
  • Trách nhiệm và quyền hạn của các bên: để đảm bảo lợi thế thương mại của mình không bị tổn hại, cần phải có hướng dẫn rõ ràng và cụ thể quy định các đóng góp của các thành viên đối với các hoạt động liên doanh. Để tránh những bất đồng có thể xảy ra, các bên cần phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn của từng thành viên, đảm bảo các bên cung cấp đúng nguồn lực đã cam kết vào liên doanh.
  • Luật áp dụng và Giải quyết tranh chấp: đây là một trong những điều khoản không kém phần quan trọng. Đây là điều khoản tùy nghi, các bên tự thỏa thuận. Việc thỏa thuận trước luật áp dụng và nơi giải quyết tranh chấp giúp các bên tránh những tranh cãi không đáng có, giúp cho quá trình giải quyết tranh chấp (nếu có) diễn ra được nhanh hơn.
  • Hiệu lực của Thỏa thuận: thông thường nếu các bên không có thỏa thuận khác, thời điểm có hiệu lực của Thỏa thuận là thời điểm các bên đồng ký ký kết Thỏa thuận. Cần lưu ý, thỏa thuận có hiệu lực mới làm phát sinh trách nhiệm và quyền hạn của các bên.
  • Thỏa thuận khác (nếu có): các bên có thể bổ sung những điều khoản mà các bên cho là cần thiết khác như Bảo mật thông tin, Sự kiện bất khả kháng, Điều khoản chung,… để ràng buộc trách nhiệm của các bên tham gia liên doanh.
  1. Hình thức và ngôn ngữ của Thỏa thuận liên doanh

  • Hình thức Thỏa thuận: trên thực tế, doanh nghiệp tốt nhất nên thực hiện việc Thỏa thuận thông qua hình thức văn bản. Việc các bên ký kết Thỏa thuận liên doanh là một biện pháp để hạn chế bất kỳ tổn thất nào cho việc liên doanh. Dựa trên văn bản, bản thân các bên tham gia liên doanh cũng dễ dàng nắm bắt được các thông tin, vấn đề phát sinh từ giao dịch.
  • Ngôn ngữ: trong quá trình soạn thảo Thỏa thuận, cần đảm bảo từ ngữ sử dụng phải rõ ràng, một nghĩa, mạch lạc và dễ hiểu. Điều này có nghĩa là các điều khoản của Thỏa thuận chỉ được hiểu theo một nghĩa và không thể giải thích bằng một nghĩa nào khác. Từ ngữ phải được chọn lọc, cụ thể, nói lên đúng mục đích của Thỏa thuận, tránh gây ra sự hiểu lầm, ngộ nhận của các bên.

Trên đây là một số lưu ý cơ bản trong quá trình soạn thảo Thoả thuận liên doanh, cần áp dụng linh hoạt các điều kiện thực tế của các bên cũng như quy định pháp luật để xây dựng một Thỏa thuận liên doanh hiệu quả nhất.

 

Để được hỗ trợ thêm thông tin, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số hotline: 0945 929 727 hoặc email: info@glawvn.com.