Doanh nghiệp không còn được tự in, đặt in hóa đơn từ năm 2018

DOANH NGHIỆP KHÔNG CÒN ĐƯỢC TỰ IN, ĐẶT IN HÓA ĐƠN

TỪ NĂM 2018

 

Tới năm 2018, doanh nghiệp sẽ hết quyền được tự in, đặt in hóa đơn mà phải sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT), chỉ một vài trường hợp ngoại lệ trong thời gian chuyển đổi theo đề xuất của Bộ Tài chính.

Đề xuất này được Bộ Tài chính thể hiện trong tờ trình Chính phủ về nghị định thay thế Nghị định 51/2010/NĐ-CP.

Từ năm 2010, doanh nghiệp, tổ chức được đặt in, tự in hóa đơn giấy theo nhu cầu sử dụng và tuân thủ các quy định về thông báo phát hành, quản lý… Chỉ có một số đối tượng phải mua hóa đơn từ cơ quan thuế. Không được tự in, đặt in hóa đơn thì doanh nghiệp sẽ sử dụng hóa đơn gì? Đề xuất của cơ quan quản lý là doanh nghiệp chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử của mình khi đáp ứng một trong những điều kiện như đang thực hiện giao dịch điện tử trong khai thuế hoặc trong hoạt động ngân hàng; có chữ ký điện tử hoặc phần mềm bán hàng hóa, dịch vụ kết nối với phần mềm kế toán…

Việc cho phép sử dụng hóa đơn điện tử cũng được áp dụng cho doanh nghiệp mới thành lập, miễn là đáp ứng điều kiện. Nguyên tắc sử dụng hóa đơn điện tử của doanh nghiệp là các đơn vị kinh doanh thực hiện đăng ký, thông báo với cơ quan thuế qua cổng thông tin điện tử và định kỳ phải chuyển dữ liệu cho cơ quan thuế. Cơ quan thuế sẽ vẫn tiếp tục in hóa đơn đến hết ngày 30-6-2018 để bán cho các đơn vị vốn nằm trong danh sách phải mua hóa đơn từ cơ quan thuế (ví dụ như doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế…). Sau thời điểm này, các doanh nghiệp, tùy nhóm đối tượng, sẽ phải chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử của mình hoặc sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.

Cụ thể, đó là tổ chức kinh doanh có mã số thuế đang sử dụng hóa đơn giấy in từ hệ thống máy tính (hiện chiếm hơn 60% tổng số hóa đơn sử dụng trong toàn nền kinh tế) đã có phần mềm tạo hóa đơn, hệ thống trang thiết bị. Tương tự là các doanh nghiệp vi phạm về quản lý, sử dụng hóa đơn; có rủi ro cao về việc chấp hành sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Theo đó, cơ quan thuế, sẽ không bán hóa đơn giấy mà chuyển sang đào tạo, cài đặt phần mềm để hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng hóa đơn có mã của cơ quan thuế.

Tuy nhiên, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế thì phải trả tiền. Một trong những đề xuất về giá là 300 đồng/hóa đơn (miễn phí cho doanh nghiệp vùng sâu, xa). Cũng liên quan đến chuyện in hóa đơn, cơ quan quản lý cũng vẫn “chừa” ra một số trường hợp. Chẳng hạn, một số trường hợp không có nhu cầu mua hóa đơn quyển mà sử dụng ít thì đề xuất cơ quan thuế cấp lẻ hóa đơn do cơ quan thuế tự in để sử dụng. Riêng đối với các hàng hóa, dịch vụ đặc thù sử dụng tem, vé, thẻ là hóa đơn đặc thù có ghi mệnh giá thì các doanh nghiệp, tổ chức vẫn thực hiện đặt in tem, vé, thẻ để sử dụng. Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn những trường hợp đặc thù phải sử dụng hóa đơn đặt in. Tất nhiên, những hóa đơn do tổ chức đã đặt in trước ngày 1-1-2018 thì được tiếp tục sử dụng trong năm 2018 nhưng cũng phải dần dần chuyển đổi sang hóa đơn điện tử. Trong khi đó, các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực siêu thị, trung tâm thương mại được sử dụng hóa đơn tự in trực tiếp từ máy tính tiền nhưng định kỳ chuyển dữ liệu cho cơ quan thuế.

Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 51 được Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính thực hiện từ nhiều tháng qua và đang ở giai đoạn lấy ý kiến để hoàn thiện trước khi trình Chính phủ thông qua. Theo ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cơ quan thuế sẽ thúc đẩy để ban hành nghị định này trong năm nay. Nghị định này được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi lớn về quản lý hóa đơn, tạo ra cơ sở dữ liệu quốc gia để ngăn chặn hóa đơn giả, hóa đơn ma… nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán hóa đơn vốn là vấn đề nhức nhối thời gian qua.

Về câu chuyện quản lý hóa đơn, cơ quan chức năng trong nhiều năm qua đã liên tục có những cải tiến. Trong đó, động thái mạnh mẽ nhất có thể nhắc đến là việc cho phép doanh nghiệp được đặt in, tự in hóa đơn sau một thời gian rất dài chỉ được phép mua hóa đơn từ cơ quan thuế. Tuy nhiên, sự thay đổi lớn này vẫn chưa thể giải quyết được dứt điểm tình trạng mua bán hóa đơn, hóa đơn ma… do có nhiều đơn vị lợi dụng sự thông thoáng, khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng bị vạ lây (do mua phải hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn) và cơ quan thuế mệt mỏi. Ở giai đoạn mới, xu hướng điện tử hóa đã rất phát triển, ngành thuế cũng đã thực hiện khai thuế điện tử… Vì vậy, cần phải có những thay đổi về hóa đơn để phù hợp. Trong giai đoạn vừa qua, ngành thuế cũng đã thí điểm cho sử dụng hóa đơn điện tử và hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan thuế và đã có những kết quả khả quan.

Chi phí của hóa đơn điện tử và hóa đơn giấy (đặt in, tự in)

Về chi phí vật chất, theo số liệu khảo sát được Bộ Tài chính công bố thì doanh nghiệp phải bỏ ra tối đa khoảng 2.500 đồng/1 tờ hóa đơn tự in (tương đương 125.000 đồng/1 quyển 50 số); đặt in là 2.000 đồng/1 tờ (tương đương 100.000 đồng/1 quyển 50 số). Chi phí cơ quan thuế đặt in là 352 đồng/1 hóa đơn, (tương đương 7.600 đồng/50 số). Cơ quan thuế bán cho doanh nghiệp rủi ro, hộ kinh doanh với giá 400 đồng/hóa đơn. Trong khi đó, với hóa đơn điện tử, số liệu từ các doanh nghiệp đã áp dụng cho thấy thấp hơn nhiều.

Ví dụ, như ở Tâp đoàn Điện lực Việt Nam, sử dụng trung bình 23,6 triệu hóa đơn/tháng (tương đương khoảng 283 triệu hóa đơn/năm), phải chi 420 đồng/hóa đơn tự in (chưa tính phần quản lý, lưu kho) còn hóa đơn điện tử là 292 đồng/hóa đơn (đã tính chi phí quản lý, lưu trữ). Sau chuyển đổi, EVN tiết kiệm được hơn 3 tỉ đồng/tháng (khoảng 36 tỉ đồng/năm).

Hay tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), mỗi tháng phát hành 6 triệu hóa đơn điện tử, tiết kiệm 8 tỉ đồng/năm.

 

GLaw là công ty luật chuyên tư vấn tất cả các vấn đề pháp lý cho cá nhân và tổ chức đang định thành lập công ty Việt Nam, chúng tôi cung câp các Dịch vụ thành lập công ty. Để được luật sư tư vấn miễn phí vui lòng đặt lịch hẹn tại hotline: 0945.929.727 hoặc qua email: info@glawvn.com