Các quy định về quản lý phân bón mới nhất

CÁC QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ PHÂN BÓN MỚI NHẤT

 

Giới thiệu các quy định về quản lý phân bón bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2020 bao gồm các văn bản doanh nghiệp phân bón cần biết, các giấy phép doanh nghiệp phân bón phải có từ 2020, phân loại phân bón theo nghị định 84/2019/NĐ-CP về quản lý phân bón, quy định về kiểm tra nhà nước trước khi thông quan đối với phân bón nhập khẩu, quy định về bao bì nhãn phân bón, xử phạt vi phạm quy định về nhãn phân bón. Sau đây là những điểm mới:

I. CÁC VĂN BẢN DOANH NGHIỆP PHÂN BÓN CẦN BIẾT:

1. Luật trồng trọt năm 2018

  • Nội dung chính: Luật này quy định về hoạt động trồng trọt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt. Trong đó có quy định về quản lý nhà nước đối với phân bón
  • Hiệu lực: Từ 01/01/2020

2. Nghị định 84/2019/NĐ-CP

  • Nội dung chính: Quy định về quản lý phân bón
  • Hiệu lực: Từ 01/01/2020

3. Thông tư 09/2019/TT-BNNPTNT

  • Nội dung chính: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón
  • Hiệu lực: Từ 01/01/2020

 

II. CÁC GIẤY PHÉP DOANH NGHIỆP PHÂN BÓN PHẢI CÓ TỪ 2020:

1. Giấy phép nhập khẩu phân bón

  • Đối tượng áp dụng: Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phân bón chưa được công nhận lưu hành tại Việt Nam, không phụ thuộc vào loại phân bón.
  • Thời hạn giấy phép: 05 năm, hết thời hạn làm thủ tục gia hạn

2. Giấy phép sản xuất phân bón

  • Đối tượng áp dụng:
    • Doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất phân bón. Doanh nghiệp, hộ gia đình có hoạt động sang chiết, đóng gói phân bón.
  • Thời hạn giấy phép: 05 năm, hết thời hạn làm thủ tục gia hạn

3. Khảo nghiệm phân bón

  • Đối tượng áp dụng:
    • Doanh nghiệp nhập khẩu phân bón chưa được công nhận lưu hành tại Việt Nam;
    • Các nhóm phân hay khảo nghiệm: thủ tục nhập khẩu phân bón npk và phân vi sinh
    • Doanh nghiệp sản xuất phân bón chưa được công nhận lưu hành tại Việt Nam. Trừ một số loại phân bón không phải khảo nghiệm
  • Thời hạn giấy phép: 05 năm, hết thời hạn làm thủ tục gia hạn

4. Công nhận lưu hành phân bón:

  • Đối tượng áp dụng:
    • Doanh nghiệp có phân bón sản xuất trong nước chưa được công nhận lưu hành tại Việt Nam và đã thực hiện khảo nghiệm.
    • Doanh nghiệp nhập khẩu phân bón chưa được công nhận lưu hành tại Việt Nam và đã thực hiện khảo nghiệm.
  • Thời hạn giấy phép: 05 năm, hết thời hạn làm thủ tục gia hạn

5. Giấy phép đủ điều kiện buôn bán phân bón:

  • Đối tượng áp dụng:
    • Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, bán sỉ, bán lẻ phân bón
    • Đại lý buôn bán phân bón
    • Cửa hàng buôn bán phân bón

III. PHÂN LOẠI PHÂN BÓN THEO NGHỊ ĐỊNH 84/2019/NĐ-CP VỀ QUẢN LÝ PHÂN BÓN:

1. Nhóm phân bón hóa học (còn gọi là phân bón vô cơ):

  • Yếu tố nhận biết:

Các loại phân bón được sản xuất từ nguyên liệu chính là các chất vô cơ hoặc hữu cơ tổng hợp, được xử lý qua quá trình hóa học hoặc chế biến khoáng sản và tùy theo thành phần, hàm lượng hoặc chức năng của chỉ tiêu chất lượng chính đối với cây trồng hoặc liên kết hóa học của các nguyên tố dinh dưỡng trong phân bón được phân loại chi tiết trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

2. Nhóm phân bón hữu cơ:

  • Yếu tố nhận biết:

Các loại phân bón được sản xuất từ nguyên liệu chính là các chất hữu cơ tự nhiên (không bao gồm các chất hữu cơ tổng hợp), được xử lý thông qua quá trình vật lý (làm khô, nghiền, sàng, phối trộn, làm ẩm) hoặc sinh học (ủ, lên men, chiết) và tùy theo thành phần, chức năng của các chỉ tiêu chất lượng chính hoặc quá trình sản xuất được phân loại chi tiết trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

  • Các loại phân bón:
    • Phân bón hữu cơ;
    • Phân bón hữu cơ cải tạo đất;
    • Phân bón hữu cơ nhiều thành phần

3. Nhóm phân bón sinh học:

  • Yếu tố nhận biết:

Các loại phân bón được sản xuất thông qua quá trình sinh học hoặc có nguồn gốc tự nhiên, trong thành phần có chứa một hoặc nhiều chất sinh học như axít humic, axít fulvic, axít amin, vitamin hoặc các chất sinh học khác và tùy theo thành phần hoặc chức năng của chỉ tiêu chất lượng chính trong phân bón được phân loại chi tiết trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

4. Phân bón rễ:

  • Yếu tố nhận biết:

Sử dụng để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng thông qua bộ rễ hoặc có tác dụng cải tạo đất.

5. Phân bón lá:

  • Yếu tố nhận biết:

Sử dụng để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng thông qua thân, lá

 

IV. QUY ĐỊNH VỀ KIỂM TRA NHÀ NƯỚC TRƯỚC KHI THÔNG QUAN ĐỐI VỚI PHÂN BÓN NHẬP KHẨU:

  • Phân bón nhập khẩu phải được kiểm tra nhà nước về chất lượng trước khi thông quan.
  • Kiểm tra nhà nước bằng Phương thức 7: thử nghiệm, đánh giá lô phân bón, cấp Giấy chứng nhận hợp quy cho lô phân bón được đánh giá và Giấy này chỉ có hiệu lực đối với lô phân bón được đánh giá. Phân bón nhập khẩu công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận của Tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định.
  • Phân bón nhập khẩu trước khi làm thủ tục thông quan, doanh nghiệp có thể làm công văn gửi Hải quan để đưa hàng về Kho của doanh nghiệp bảo quản.
  • Chế độ miễn giảm kiểm tra chất lượng phân bón nhập khẩu: Áp dụng đối với phân bón cùng tên phân bón, mã số phân bón, dạng phân bón của cùng một cơ sở sản xuất, cùng xuất xứ, cùng nhà nhập khẩu, sau 3 lần liên tiếp có kết quả thử nghiệm kiểm tra nhà nước về chất lượng đạt yêu cầu nhập khẩu.
  • Thời hạn miễn giảm kiểm tra: 12 tháng.

Trình tự kiểm tra và lấy mẫu như sau:

Bước 1: Doanh nghiệp nhập khẩu phân bón nộp bộ hồ sơ sau đến Cơ quan kiểm tra nhà nước (Tổ chức được chỉ định bởi Cục BVTV)

  • Giấy đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu;

  • Bản chụp các giấy tờ sau: Hợp đồng mua bán; danh mục hàng hóa kèm theo (ghi rõ số lượng đăng ký, mã hiệu của từng lô hàng); hóa đơn hàng hóa; vận đơn (đối với trường hợp hàng hóa nhập theo đường không, đường biển hoặc đường sắt).

Bước 2: Trong 01 ngày làm việc, cơ quan nhà nước kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ Bước 1 và xác nhận vào đơn đăng ký, tiến hành lấy mẫu. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bước 3: Lấy mẫu kiểm tra chất lượng

Bước 4: Thông báo kết quả kiểm tra trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi lấy mẫu kiểm tra (Nếu kết quả phù hợp thì phân bón được thông quan, còn nếu không đạt thì sẽ xử lý theo quy định về xử phạt đối với hàng hóa không phù hợp chất lượng).

 

V. QUY ĐỊNH VỀ BAO BÌ, NHÃN PHÂN BÓN:

Phân bón khi lưu thông trên thị trường phải được ghi nhãn theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Hiện nay, cách ghi nhãn hàng hóa đối với phân bón được quy định trong Luật trồng trọt 2018 và Nghị định 43/2017/NĐ-CP.

Nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa.

  • Nội dung bắt buộc trên nhãn đối với phân bón:
    • Loại phân bón

    • Mã số phân bón

    • Định lượng

    • Ngày sản xuất

    • Hạn sử dụng

    • Thành phần hoặc thành phần định lượng

    • Thông tin cảnh báo

    • Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản

  • Nội dung bắt buộc trên nhãn đối với phân bón lá: Phải ghi rõ cụm từ “Phân bón lá”
  • Nội dung bắt buộc trên nhãn đối với phân bón vi sinh: Ghi thêm chủng, số lượng vi sinh vật

 

VI. XỬ PHẠT VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ NHÃN PHÂN BÓN:

Hiện nay việc xử phạt vi phạm quy định về nhãn đối với hàng hóa nói chung và nhãn phân bón nói riêng được quy định trong Nghị định 119/2019/NĐ-CP và Thông tư 18/2018/TT-BKHCN.

1. Quy định về ghi nhãn hàng hóa:

  • Hành vi vi phạm:
    • Hàng hóa có nhãn hàng hóa nhưng bị che lấp, rách nát, mờ không đọc được hoặc không đọc được hết các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa

    • Hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định về kích thước chữ và số, ngôn ngữ sử dụng, định lượng và đơn vị đo theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa

  • Mức phạt (VNĐ):
  • Phạt tiền: 500.000 – 30.000.000 (Mức phạt tùy thuộc vào giá trị lô hàng)

  • Phạt bổ sung: Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa vi phạm

2. Quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa:

Hành vi vi phạm:

  • Hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa

  • Hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam kinh doanh hàng hóa trên nhãn có hình ảnh, hình vẽ, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng, huy chương, giải thưởng và các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó; nhãn hàng hóa thể hiện những hình ảnh, nội dung liên quan đến tranh chấp chủ quyền và các nội dung nhạy cảm khác có thể gây ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, quan hệ ngoại giao và thuần phong mỹ tục của Việt Nam; kinh doanh hàng hóa có nhãn, kể cả nhãn gốc hoặc nhãn phụ đối với hàng hóa nhập khẩu bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa; kinh doanh hàng hóa gian lận về thời hạn sử dụng của hàng hóa trên nhãn hàng hóa; kinh doanh hàng hóa đã quá hạn sử dụng

  • Kinh doanh hàng hóa theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn hàng hóa; không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng bị thay đổi;

  • Gắn nhãn hàng hóa giả, gồm hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác; hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa

Mức phạt (VNĐ):

  • Phạt tiền: Mức phạt tùy thuộc vào giá trị lô hàng và hành vi vi phạm

  • Phạt bổ sung: Buộc tiêu hủy hàng hóa

 

Ngoài ra, công ty Luật Glaw Vietnam chuyên tư vấn thủ tục nhập khẩu phân bón. Các cá nhân hoặc doanh nghiệp đang có nhu cầu nhập khẩu phân bón hoặc muốn tìm hiểu thêm về thủ tục có thể liên hệ Hotline: 0945.929.727 hoặc email: info@glawvn.com.