Các bước cần thực hiện để vay vốn nước ngoài

CÁC BƯỚC CẦN THỰC HIỆN ĐỂ VAY VỐN NƯỚC NGOÀI

Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, nhu cầu vay vốn để bổ sung vào vốn lưu động phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là một nhu cầu rất phổ biến. Hiện nay, có hai nguồn để doanh nghiệp thực hiện việc vay vốn là vay vốn của tổ chức cá nhân trong nước và vay vốn từ nước ngoài. Trong đó, hoạt động vay vốn nước ngoài là hoạt động có điều kiện và yêu cầu bên đi vay phải tuân thủ theo trình tự, thủ tục luật định. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng nắm được quy trình các bước cần thực hiện để vay vốn nước ngoài. Trong phạm vi bài viết này, GLAW sẽ tóm tắt các bước cơ bản mà doanh nghiệp cần lưu ý khi vay vốn nước ngoài để doanh nghiệp có nhu cầu đi vay có thể nắm bắt và hạn chế được những rủi ro không tuân thủ trong quá trình thực hiện.

I. Một số định nghĩa liên quan

  • Khoản vay nước ngoài: Cụm từ dùng chung để chỉ khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh (sau đây gọi là khoản vay tự vay tự trả) và khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh dưới mọi hình thức vay nước ngoài thông qua hợp đồng vay, hợp đồng nhập khẩu hàng hóa trả chậm, hợp đồng ủy thác cho vay, hợp đồng cho thuê tài chính hoặc phát hành công cụ nợ trên thị trường quốc tế của bên đi vay. Thông thường, các khoản vay của doanh nghiệp thường xếp vào khoản vay tự vay tự trả.

  • Khoản vay ngắn hạn nước ngoài tự vay, tự trả (sau đây gọi là khoản vay ngắn hạn nước ngoài) là khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh có thời hạn đến một (01) năm.

  • Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài tự vay, tự trả (sau đây gọi là khoản vay trung, dài hạn nước ngoài) là khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh có thời hạn trên một (01) năm.

 

II. Các bước cần thực hiện để vay vốn nước ngoài

1. Xác định khoản vay

Xác định khoản vay tức là doanh nghiệp dựa vào thời hạn vay để xác định khoản vay nước ngoài dự kiến vay là khoản vay ngắn hạn hay là khoản vay trung, dài hạn. Quy định về điều kiện, trình tự thủ tục đăng ký đối với mỗi loại khác nhau, vì vậy bên vay cần xác định chính xác loại khoản vay để thực hiện thủ tục cho phù hợp.

 

2. Tìm hiểu các điều kiện vay tương ứng với từng khoản vay nước ngoài

Theo Thông tư 12/2014/TT-NHNN, điều kiện vay khoản vay nước ngoài được xét ở hai khía cạnh là mục đích vay và hạn mức vay:

  • Mục đích vay: Bên vay sử dụng khoản vay để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh, dự án của chính bên vay hoặc của doanh nghiệp mà bên vay tham gia góp vốn đầu tư trực tiếp; Cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài của bên vay mà không làm tăng chi phí vay.

  • Hạn mức vay: Trường hợp bên vay được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì khoản vay trung hạn, dài hạn (bao gồm cả khoản vay trong nước) không được vượt quá phần chênh lệch giữa tổng vốn đầu tư và vốn góp. Trong trường hợp không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì khoản vay trung hạn, dài hạn (bao gồm cả khoản vay trong nước) không vượt quá tổng nhu cầu vốn vay tại phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với bên vay là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc là doanh nghiệp nhà nước thì sẽ có những điều kiện riêng cần tuân thủ.

 

3. Thỏa thuận vay nước ngoài và xác định hình thức thỏa thuận

Sau khi đã hiểu rõ các điều kiện đối với khoản vay về mục đích vay và hạn mức vay thì bên vay và bên cho vay phải kết ký thỏa thuận khoản vay nước ngoài dưới dạng văn bản trước thời điểm giải ngân khoản vay (trừ trường hợp bên vay là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vay khoản vay ngắn hạn). Thỏa thuận vay có thể được thể hiện dưới hình thức hợp đồng vay, hợp đồng mua bán hàng hóa trả chậm, hợp đồng ủy thác cho vay, hợp đồng cho thuê tài chính, hoặc phát hành công nợ của bên vay.

Hai bên hoàn toàn tự do trong việc lựa chọn hình thức của thỏa thuận nêu trên và thỏa thuận này phải thể hiện dưới dạng văn bản.

 

4. Mở tài khoản vay vốn nước ngoài

Tài khoản vay, trả nợ nước ngoài là tài khoản thanh toán của bên đi vay mở tại ngân hàng cung ứng dịch vụ tại Việt Nam để thực hiện rút vốn, trả nợ khoản vay nước ngoài và các giao dịch chuyển tiền khác liên quan đến hoạt động vay, trả nợ nước ngoài.

  • Bên vay không phải là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phải mở tài khoản vay vốn. Mỗi khoản vay nước ngoài chỉ được thực hiện qua 01 (một) ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản.

  • Bên vay là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài: Đối với khoản vay trung, dài hạn thì tài khoản vay là tài khoản vốn đầu tư trực tiếp (DICA). Đối với khoản vay ngắn hạn thì tài khoản vay là tài khoản vốn đầu tư trực tiếp (DICA) hoặc tài khoản vay khác để thực hiện các giao dịch thu, chi liên quan đến khoản vay nước ngoài. Mỗi khoản vay ngắn hạn nước ngoài chỉ được thực hiện qua 01 (một) ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản.

 

5. Đăng ký tài khoản truy cập (Bên vay lựa chọn hình thức trực tuyến)

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện quản lý thông tin dữ liệu về hoạt động vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp thông qua trang điện tử được truy cập qua địa chỉ www.sbv.gov.vn hoặc www.qlnh-sbv.cic.org.vn. Do đó, bên vay phải thực hiện thủ tục đăng ký tài khoản truy cập trên trang điện tử này, sau khi nộp đầy đủ hồ sơ hợp lệ thì cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp tên và mật khẩu của tài khoản truy cập cho bên vay.

Bên vay sử dụng tài khoản truy cập này để khai báo thông tin đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay và báo cáo tình hình thực hiện khoản vay.

 

6. Đăng ký khoản vay nước ngoài

Pháp luật Việt Nam quy định những khoản vay nước ngoài sau đây phải thực hiện thủ tục đăng ký với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

  • Khoản vay ngắn hạn (thời hạn vay dưới 01 năm): khoản vay được gia hạn và tổng thời gian gia hạn là trên 01 năm; hoặc không gia hạn nhưng vẫn còn dư nợ gốc sau 10 ngày kể từ thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên;

  • Khoản vay trung hạn, dài hạn (thời hạn vay trên 01 năm), trừ các khoản vay tự trả dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm.

Bên vay phải tuân thủ về thời hạn đăng ký khoản vay, hình thức và thủ tục đăng ký tại Thông tư 03/2016/TT-NHNN hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.

 

7. Thực hiện báo cáo thống kê khoản vay với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dễ dàng hơn trong việc quản lý khoản vay nước ngoài thì hàng quý bên vay phải thực hiện chế độ báo cáo về tình hình thực hiện các khoản vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, bên vay cần tuân thủ thời hạn báo cáo.

  • Hình thức trực tuyến (bên vay đã đăng ký khoản vay bằng hình thức trực tuyến): Định kỳ hàng quý, chậm nhất vào ngày 05 của tháng tiếp theo ngay sau kỳ báo cáo, bên vay phải báo cáo tại Trang điện tử.

  • Hình thức truyền thống: Định kỳ hàng quý, chậm nhất vào ngày 05 của tháng tiếp theo ngay sau kỳ báo cáo, bên vay phải gửi báo cáo bằng văn bản (Phụ lục 04 – Thông tư 03/2016/TT-NHNN) đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi bên vay đặt trụ sở.

Ngoài ra, bên vay cần thực hiện báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

 

8. Thực hiện thủ tục đăng ký, thông báo thay đổi khi khoản vay có nội dung thay đổi

Sau thời điểm khoản vay được giải ngân nếu có nội dung liên quan đến khoản vay được thay đổi so với nội dung trong văn bản xác nhận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp trước đó thì bên vay phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi hoặc thông báo về nội dung thay đổi đó.

Trường hợp phải thông báo: (i) Trường hợp kế hoạch rút vốn, trả nợ, chuyển phí thực tế thay đổi trong phạm vi 10 (mười) ngày so với kế hoạch rút vốn, trả nợ, chuyển phí đã được Ngân hàng Nhà nước xác nhận trước đó; (ii) Thay đổi địa chỉ bên vay trong tỉnh, thành phố nơi bên vay đặt trụ sở chính; (iii) Thay đổi bên cho vay, các thông tin liên quan về bên cho vay trong khoản vay hợp vốn có chỉ định đại diện các bên cho vay, trừ trường hợp bên cho vay đồng thời là đại diện các bên cho vay trong khoản vay hợp vốn và việc thay đổi bên cho vay làm thay đổi vai trò đại diện các bên cho vay; (iv) Thay đổi tên giao dịch thương mại của ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản vay.

Trường hợp phải đăng ký thay đổi khoản vay: Thay đổi bất kỳ nội dung nào liên quan đến khoản vay được nêu tại văn bản xác nhận đăng ký khoản vay nước ngoài của Ngân hàng Nhà nước trước đó (trừ trường hợp chỉ phải thực hiện thông báo nêu ở trên).

Bên vay phải tuân thủ về thời hạn đăng ký thay đổi khoản vay, hình thức và thủ tục đăng ký thay đổi quy định tại Thông tư 03/2016/TT-NHNN hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.

 

Vay vốn nước ngoài là hoạt động tương đối phức tạp, đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều quy định liên quan, vì vậy doanh nghiệp cần nắm bắt đầy đủ quy định điều chỉnh hoặc có thể thông qua luật sư tư vấn để đảm bảo thực hiện đúng theo quy định.

 

Để được hỗ trợ thêm thông tin, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số hotline: 0945 929 727 hoặc email: [email protected].