Phân bón là gì?

PHÂN BÓN LÀ GÌ?

 

   Con người Việt Nam từ khi sinh ra cho tới ngày nay chủ yếu sống bằng nông nghiệp. Việc trồng trọt, cấy hái nhiều năm trên một mảnh đất sẽ làm cho đất bị kiệt màu, mất dần chất dinh dưỡng, cằn cỗi dần đi và không cung cấp đủ được dinh dưỡng cho cây trồng sinh trưởng, phát triển được. Chính vì vậy con người đã nghĩ tới việc bổ sung chất dinh dưỡng cho đất – Đó chính là phân bón. Điều này còn được đúc kết thành kinh nghiệm qua các câu ca dao, tục ngữ như:

“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”

“Người đẹp vì Lụa, lúa tốt vì phân”….

 

 

Vậy “Phân bón” là gì?

+ Khái niệm cơ bản: Phân bón là những chất được đưa vào đất để làm tăng độ phì nhiêu của đất làm thức ăn cho cây trồng, chúng chứa một hoặc nhiều chất dinh dưỡng cần thiết để cây trồng sinh trưởng và phát triển cho năng suất cao.

+ Khái niệm theo Nghị định quản lý nhà nước về phân bón: Phân bón là sản phẩm có chức năng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng hoặc có tác dụng cải tạo đất.

 

Các yếu tố hạn chế trong phân bón:

Những yếu tố có nguy cơ gây độc hại, ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường gọi được xem là yếu tố hạn chế trong phân bón, bao gồm:

a) Các nguyên tố arsen (As), cadimi (Cd), chì (Pb) và thủy ngân (Hg);

b) Vi khuẩn E. coli, Salmonella và các vi sinh vật gây hại cây trồng, gây bệnh cho người, động vật được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác định.

 

Các chỉ tiêu chất lượng đối với phân bón:

Các thông số kỹ thuật về đặc tính, thành phần, hàm lượng phản ánh chất lượng phân bón được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng tương ứng được gọi là chỉ tiêu chất lượng của phân bón.

 

Phân bón lót là gì?

Bón lót là bón phân vào đất trước khi gieo trồng đối với cây hàng năm.

Còn đối với cây lâu năm, bón lót bao gồm cả việc bón phân trước khi trồng và bón phân vào giai đoạn cây ngừng sinh trưởng trong năm, bón phân phục hồi cây sau khi thu hoạch.

Bón lót thường được tiến hành trước khi cày bừa làm đất, hoặc trước khi bừa lần cuối trước khi gieo cấy.

Lượng phân dùng để bón lót phụ thuộc vào loại phân bón, tính chất của đất đai, mùa vụ trong năm và loại cây trồng. Thường phân bón hữu cơ, phân lân được dùng với lượng lớn cho bón lót, trong khi đó phân đạm, phân kali chỉ bón lót một phần.

Bón lót sử dụng các loại phân cần thiết có một thời gian nhất định để chất dinh dưỡng chuyển hoá thành dạng dễ tiêu cây trồng mới sử dụng được như phân chuồng, phân xanh, phân rác, phân lân. Tuy nhiên bón lót vẫn sử dụng một phần phân dễ tan như phân đạm, phân kali.

Phân bón thúc là gì?

Bón phân trong thời kỳ cây trồng đang sinh trưởng (đẻ nhánh, vươn lóng, phát triển thân lá, tạo củ, tạo quả…), nhằm cung cấp đủ chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối cho cây trồng tạo năng suất cao được gọi là bón thúc cho cây trồng.

Thiếu phân bón thúc cây trồng còi cọc, kém phát triển, năng suất thấp.

Bón thúc cho cây cần dựa vào đất, vào cây, và cả thời tiết từng mùa vụ. Từ đó mà định loại phân, lượng phân và thời gian bón cho thích hợp.

– Giai đoạn cây con đang phát triển: cây đâm tiêm, đẻ nhánh, vươn lóng, phát triển cành lá… nên bón nhiều phân đạm hơn lân và kali hoặc dùng các loại phân hỗn hợp NPK các loại phân có hàm lượng Đạm cao, lân và kali vừa phải.

– Giai đoạn cây nuôi quả, nuôi củ, tích lũy đường… nên dùng các loại phân có hàm lượng Kali và đạm cao.

Lưu ý: Tại tất cả các giai đoạn phát triển của cây trồng, ngoài việc bón phân đa lượng (Đạm, Lân, Kali) cần lưu ý bổ sung các loại trung (Ca, Mg, S, Si), vi lượng (Cu, Fe, Zn, Mo, Bo…) cho cây trồng phát triển khỏe mạnh, cân đối.

 

Phân bón dựa trên cách thức bón phân: bón rễ, bón lá là gì?

+ Phân bón rễ là các loại phân bón được bón trực tiếp vào đất hoặc vào nước để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng thông qua bộ rễ.

+ Phân bón lá là các loại phân bón được tưới hoặc phun trực tiếp vào lá, thân hoặc tưới gốc để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng thông qua thân lá.

 

Trên đây là những những nội dung cơ bản về phân bón, ngoài ra hiện nay tại Việt Nam đã và đang sử dụng rất nhiều phân bón cho cây trồng. Các loại phân còn được chia làm phân bón hữu cơ, phân bón vô cơ, phân vi sinh,…và có thể được sản xuất tại Việt Nam cũng như phân bón nhập khẩu từ nước ngoài. Hi vọng các kiến thức trên sẽ giúp ích được cho bạn.

 

Ngoài ra, công ty Luật Glaw Vietnam chuyên tư vấn thủ tục nhập khẩu phân bón. Các cá nhân hoặc doanh nghiệp đang có nhu cầu nhập khẩu phân bón hoặc muốn tìm hiểu thêm về thủ tục có thể liên hệ Hotline: 0945.929.727 hoặc email: info@glawvn.com.