Giấy phép sang chiết, đóng gói phân bón.

GIẤY PHÉP SANG CHIẾT, ĐÓNG GÓI PHÂN BÓN

 

Hiện nay, theo nhu cầu của thị trường, nhiều doanh nghiệp sau khi nhập khẩu phân bón có nhu cầu đóng gói thành các sản phẩm có khổi lượng nhỏ hơn để dễ phân phối ra thị trường và giảm thiểu được chi phí nhập khẩu. Theo quy định của pháp luật hiện hành, đóng gói phân bón được xem là một hình thức của sản xuất phân bón. Do đó tổ chức, cá nhân bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện dành cho cơ sở sản xuất phân bón chỉ hoạt động đóng gói phân bón. Trong phạm vi bài viết này, GLaw Việt Nam sẽ thông tin đến Quý khách hàng về các quy định liên quan đến san chiết, đóng gói phân bón.

I. Đóng gói phân bón là gì?

Đóng gói phân bón là việc sử dụng máy móc, thiết bị để san chiết phân bón từ dung tích lớn sang dung tích nhỏ, từ bao bì lớn sang bao bì nhỏ hoặc là hình thức đóng gói từ dung tích, khối lượng cố định vào bao bì theo một khối lượng nhất định mà không làm thay đổi bản chất, thành phần, hàm lượng, màu sắc, dạng phân bón.

Khoản 5 Điều 2 Nghị định số 84/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ về quản lý phân bón có hiệu lực thi hành từ 01/01/2020 quy định: “Sản xuất phân bón là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động phối trộn, pha chế, nghiền, sàng, sơ chế, ủ, lên men, chiết xuất, tái chế, làm khô, làm ẩm, tạo hạt, đóng gói và hoạt động khác thông qua quá trình vật lý, hóa học hoặc sinh học để tạo ra sản phẩm phân bón”. Theo đó, hoạt động đóng gói phân bón là sản xuất phân bón.

II. Điều kiện để cơ sở hoạt động đóng gói phân bón

Tổ chức cá nhân thực hiện san chiết, đóng gói phân bón phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón.

  • Điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón (đối với cơ sở chỉ hoạt động đóng gói phân bón)
    • Có địa điểm sản xuất, diện tích nhà xưởng phù hợp với quy mô sản xuất;
    • Có dây chuyền, máy móc, thiết bị phù hợp với quy trình sản xuất từng loại, dạng phân bón;
    • Có khu vực chứa nguyên liệu và khu vực thành phẩm riêng biệt;
    • Người trực tiếp điều hành sản xuất phải có trình độ từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học.

III. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón đối với cơ sở chỉ hoạt động đóng gói phân bón

1. Thành phần hồ sơ

  • Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón;
  • Bản thuyết minh về điều kiện sản xuất phân bón;
  • Bản chụp bằng tốt nghiệp đại học trở lên của người trực tiếp điều hành sản xuất;
  • Bản sao chứng thực Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Quyết định phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết hoặc Giấy xác nhận đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc Cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về môi trường.

2. Thời hạn giải quyết:

  • 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung hồ sơ. Nếu hồ sơ đạt yêu cầu sẽ thực hiện kiểm tra thực tế điều kiện sản xuất phân bón.Trường hợp kết quả kiểm tra đạt yêu cầu, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón (hoạt động đóng gói).
  • Trường hợp không đáp ứng điều kiện, phải thực hiện khắc phục, sau khi khắc phục tổ chức, cá nhân có văn bản thông báo đến cơ quan có thẩm quyền để tổ chức kiểm tra lại nội dung đã khắc phục. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón sẽ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thời hạn của giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón là 05 năm. Trước thời hạn 03 tháng kể từ ngày Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón hết hạn, tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón có nhu cầu tiếp tục sản xuất phân bón phải nộp hồ sơ đề nghị cấp lại.

 

Để biết thêm chi tiết về dịch vụ của GLaw Việt Nam, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số hotline: 0945 929 727 hoặc email: info@glawvn.com.